Giai đoạn 2016–2020, chương trình mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển mình căn bản về hạ tầng và đời sống khu vực nông thôn.
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân khu vực nông thôn có nhiều thay đổi. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn; sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, bền vững hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, phát triển hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển môi trường và văn hóa cộng đồng...
Hết năm 2020 ước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn so với mức 17,5% của năm 2015 (tăng 45,5 điểm %); có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn so với mức 15 đơn vị của năm 2015 (tăng 150 đơn vị).
Tổng nguồn lực huy động 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2.115.677 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng; đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh; các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 2.400 sản phẩm OCOP (đạt 100% kế hoạch).
Tỉ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 5,46% năm 2019 và khoảng 4,2% năm 2020.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm 2016-2020, các công trình thủy lợi đã tăng năng lực tưới thêm trên 97 nghìn hecta (năm 2015: 35 nghìn hecta) và tiêu tăng thêm 70 nghìn hecta đất nông nghiệp (năm 2015: 15 nghìn hecta). Diện tích đảm bảo nước gieo cấy lúa: 7,5 triệu hecta, đáp ứng 98% diện tích gieo trồng cả năm.
Số lượng hồ chứa thủy lợi tăng: Năm 2020 có 6.750 hồ, tăng 421 hồ (6,7%) so với năm 2015; tổng dung tích hồ chứa đạt 14.500 triệu m3, tăng thêm khoảng 1.300 triệu m3 (9,8%) so với năm 2015.
Công tác phòng, chống thiên tai đã được đặc biệt quan tâm, hoàn thiện bộ máy tổ chức, khuôn khổ pháp lý và các chính sách ưu tiên nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa làm chính. Nhờ vậy, mặc dù thiên tai trong những năm gần đây diễn ra phức tạp và bất thường hơn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Mục tiêu phát triển giai đoạn tới
Mục tiêu chung: Phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Trong đó, chú trọng các mục tiêu cụ thể như sau:
Mục tiêu tới năm 2025: Ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 25 - 3,0%/năm; Tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80% (trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.
Mục tiêu tới năm 2030: Duy trì tăng trưởng GDP nông lâm, thủy sản khoảng 3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90% mới (trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), có trên 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
Thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 3 lần so với năm 2020; Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 15%...
Theo Bộ NNPTNT, xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Xem thêm: odl.058668-em-hnam-hnim-neyuhc-noht-gnon-puig-iom-noht-gnon-gnud-yax-oart-gnohp/et-hnik/nv.gnodoal