Theo Bộ TN&MT, năm năm qua, bên cạnh các tồn tại khác có hai khó khăn, thách thức lớn đối với cả nước là biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái về môi trường. Trong đó, BĐKH đã khiến thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở đất… xảy ra liên tục, gây thiệt hại lớn đến đời sống người dân tại nhiều địa phương.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành TN&MT đã chỉ rõ những điểm nghẽn này, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục những thách thức trên.
Cụ thể đối với vấn đề ứng phó với BĐKH, bộ đã chủ động đề xuất, thúc đẩy các giải pháp như tăng cường quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. “Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%” - ông Hà nói.
Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bộ trưởng TN&MT cho biết những năm qua chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 10. Theo đó, phương thức quản lý môi trường được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ BĐKH đang đặt ra những thách thức lớn cho cả nước nói chung và toàn ngành TN&MT nói riêng.
Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ TN&MT cần chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Cập nhật chiến lược quốc gia về BĐKH cho giai đoạn mới, lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia, từng địa phương. Đặc biệt có giải pháp giảm thiểu những rủi ro do BĐKH gây ra, nhất là khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ, xâm nhập mặn, sạt lở tại ĐBSCL và ngay cả các khu vực phía Bắc.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành TN&MT tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dự báo, đa dạng hóa sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự báo xa, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan…
“Tích hợp bản đồ phân vùng tai biến địa chất, trượt lở với dữ liệu khí tượng thủy văn, lớp phủ thực vật để phân vùng, dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở ở mức độ chi tiết hơn. Từ đó xây dựng lại quy hoạch phân bổ dân cư vùng núi, vùng cao…” - Phó Thủ tướng nói.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị ngành TN&MT nhanh chóng chuẩn bị điều kiện, nguồn lực cần thiết để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư.
Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị: “Bộ cần chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trong đó tăng cường thanh tra đột xuất các hoạt động khai thác tài nguyên. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học”.