vĐồng tin tức tài chính 365

Thay đổi để phát triển trong hoàn cảnh mới

2020-12-31 14:00

Thay đổi để phát triển trong hoàn cảnh mới

NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện

(TBKTSG) - Hầu hết doanh nghiệp đã trải qua một năm kinh doanh đầy khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp cho rằng tình hình vẫn chưa thể lạc quan hơn, tuy nhiên họ cũng đã chuẩn bị tâm thế, xây dựng kế hoạch, điều chỉnh chiến lược để thích nghi và phát triển trong hoàn cảnh mới. TBKTSG ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp.

Du lịch Team buiding tại Quảng Ninh. Ảnh: Minh Duy
Ông Nguyễn Lâm Viên

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty Vinamit:

Củng cố, nâng cao năng lực để chuẩn bị “bứt phá”

- Năm 2021, với chúng tôi, cũng giống xu hướng chung, là một năm tiếp tục chiến lược bảo toàn. Tình hình dịch bệnh đến lúc này vẫn diễn biến phức tạp. Dù vaccin đã được thử nghiệm nhưng để tất cả mọi người đều được tiêm ngừa thì cũng phải mất hết nửa năm, thậm chí đến cuối năm mới xong. Không chỉ vậy, biến thể mới của virus còn vừa được phát hiện ở một số nước. Chắc chắn các nước sẽ không đủ tự tin để sớm mở cửa biên giới trở lại. Với tình hình đó thì không có ai dám mạo hiểm hay tự tin sẽ bứt phá.
Với Vinamit, chúng tôi coi đây là cơ hội, thời gian tốt nhất để chuẩn bị mọi thứ, từ nguyên liệu, công nghệ đến con người, sản phẩm, nhằm sẵn sàng khi thị trường bật lên. Tôi đánh giá năm 2021-2022 là giai đoạn giao thời, chuyển tiếp từ cách sống cũ sang cách sống mới, đề cao sức khỏe sau khi thế giới trải qua một năm dịch bệnh nặng nề. Vinamit sẽ cải cách, củng cố, nâng cao năng lực doanh nghiệp để chuẩn bị có những bứt phá mới.
Từ 1-1-2021, Vinamit cũng có sự thay đổi về người điều hành. Tôi sẽ không trực tiếp điều hành nữa mà nhiệm vụ này sẽ được giao cho một bạn nữ trẻ, vốn đã nhiều năm làm cố vấn trong Hội đồng quản trị.

Ông Lê Anh

Ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân:

Định hướng phát triển phù hợp bối cảnh mới

Năm 2021 được dự báo sẽ là một năm mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... có hiệu lực. Nhựa Duy Tân cũng đã chuẩn bị sẵn sàng với những định hướng phát triển, xuất khẩu phù hợp với bối cảnh mới. Ngoài những sản phẩm nhựa gia dụng quen thuộc, công ty tập trung cho sản xuất xuất khẩu, phát triển và đẩy mạnh các dòng sản phẩm như tủ, ghế... dành cho đối tượng khách hàng trung và cao cấp.

Đặc biệt, trong năm 2021 này, Duy Tân sẽ triển khai chương trình “năng lượng xanh” nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững cho sản xuất đã đề ra. Theo đó, nhà máy Duy Tân ở Long An vừa được lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên 95.300 mét vuông mái. Hệ thống này có công suất gần 10 MW, sẽ cung cấp điện cho nhà máy để qua đó góp phần giảm lượng phát thải CO2.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings:

Hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh

- Sau một thời gian dài chịu sức ép từ Covid-19 thì sự chuyển đổi tư duy của lãnh đạo là điều cần thiết nhất. Chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ nhận thức, nghĩa là thay đổi thói quen, kế hoạch, bố trí, điều hành. Chuyển đổi thứ hai là chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp, bao gồm cấu trúc các sản phẩm và cấu trúc của hệ điều hành hoạt động bên trong, cho phù hợp với thị trường. Tiếp đó là chuyển đổi đối tượng phục vụ, từ quốc tế sang nội địa để bù đắp.

Tình hình sẽ tiếp tục khó khăn đối với du lịch, từ nay đến đầu năm 2022. Chúng tôi cho rằng phải biến cái khó này thành lợi thế của mình, hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh là mục tiêu doanh nghiệp phải hướng đến trong tương lai nếu muốn phát triển bền vững. Đối với chúng tôi sự ra đời của hãng bay Vietravel Airlines chính là “mệnh lệnh từ trái tim” sau hàng chục năm mong muốn được hoàn thiện hệ sinh thái Vietravel Holdings.

Mục tiêu mà Vietravel Airlines đặt ra cho năm 2021 là cố gắng bằng mọi cách giữ cho hòa vốn hoặc lỗ ở mức thấp nhất có thể. Đây là mục tiêu rất tham vọng vì các hãng hàng không năm đầu ra mắt thường là lỗ.

Chúng ta nên nhớ chỉ số thành lập doanh nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, luôn là chỉ số cho thấy nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn. Từ nhận thức này đã nói lên được kỳ vọng của tôi vào tình hình chung tích cực hơn trong năm 2021, có thể khó khăn chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng doanh nghiệp sẽ phần nào cứng cáp, vững vàng hơn.

Ông Nguyễn Trọng Liên, Tổng giám đốc Công ty Chuyển phát nhanh Muôn Phương:

Nhu cầu chuyển phát nhanh sẽ tiếp tục tăng cao

- Thị trường thương mại điện tử trong nước còn tiềm năng phát triển khi cả người bán và người mua đều nhận thấy nhiều thuận lợi với mô hình kinh doanh này. Vì vậy, tôi cho rằng nhu cầu dịch vụ về chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 và những năm tới. Trên thực tế nhiều kênh bán hàng trực tiếp như siêu thị và các cửa hàng đang trong giai đoạn đẩy mạnh kênh bán hàng online. Do đó, Muôn Phương đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh số năm 2021 là 20% so với năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ như chăm sóc khách hàng, đầu tư công nghệ phần mềm chuyển phát, hợp tác doanh nghiệp cùng ngành để đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí vận chuyển...

Dù vậy, Muôn Phương nói riêng và doanh nghiệp giao nhận nói chung cũng đang gặp khá nhiều thách thức do quy định ngày càng chặt chẽ hơn về tải trọng, an toàn, an ninh, môi trường, dịch bệnh... trong ngành vận chuyển đường bộ, đường hàng không. Mặt khác, chi phí vận chuyển ngày càng tăng trong khi áp lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng lớn.

Ông Christian Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Wee Digital:

Trong nguy có cơ cho những công ty công nghệ

- Wee Digital là một công ty công nghệ sâu (deep tech) chuyên chú vào nghiên cứu - phát triển (R&D) các công nghệ sinh trắc học, mà nổi bật là thuật toán nhận dạng khuôn mặt. Trong nguy có cơ, dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh bớt sôi động, song lại là một dịp để các tập đoàn, ngân hàng đầu tư nhiều thời gian vào công tác R&D, tìm đối tác và triển khai những công nghệ mới vào ngành của họ. Do vậy, họ chú ý đến những công ty công nghệ như chúng tôi hơn. Thêm nữa, khi ý thức của xã hội về nguy cơ lây nhiễm lên cao, các công nghệ giao dịch, giao tiếp không điểm chạm (contactless) lại càng được nói đến nhiều, và chúng tôi càng được chú ý nhiều hơn.

Năm 2021, công nghệ FacePay - thanh toán bằng khuôn mặt - được Wee Digital phát triển, sẽ xuất hiện ở nhiều chuỗi bán lẻ, mà khởi đầu là chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25. Vài năm qua, chúng tôi đã ngược xuôi đàm phán để kết nối được 39 ngân hàng và ba ví điện tử hợp tác với FacePay. Năm 2021 sẽ là năm Wee Digital phải làm mạnh về thị trường cho FacePay, nhằm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Chúng tôi cũng sẽ bận rộn với việc triển khai công nghệ sinh trắc học vào hoạt động của một số ngân hàng lớn, sau khi đã thành công với dự án chi nhánh ngân hàng thông minh (Smart Digital Branch) của VietinBank trong năm 2020.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour:

Xây dựng kế hoạch kinh doanh linh hoạt

- Năm 2021 được dự báo cũng đầy khó khăn và bấp bênh không kém năm 2020. Với tình hình dịch bệnh và tiến độ thử nghiệm vaccin ngừa SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19 hiện nay thì sớm nhất phải giữa năm sau mảng du lịch quốc tế mới có thể dần đón khách trở lại. Vì thế, du lịch phải tiếp tục dựa vào thị trường nội địa và phải chuẩn bị tình huống thị trường có thể bị ngắt đột ngột do dịch bệnh.

Rút kinh nghiệm từ những đợt bùng phát dịch trong năm 2020, chúng tôi linh hoạt hơn trong việc chuẩn bị dịch vụ cho năm mới 2021. Kế hoạch dài hạn sáu tháng, một năm và cho từng mùa du lịch lớn như xuân, hè vẫn được vạch ra nhưng kèm theo đó là những kế hoạch nhỏ hơn cho từng giai đoạn ngắn, đi cùng với các kịch bản dự phòng.

Chúng tôi tính toán, nếu trong nước kiểm soát dịch tốt như hiện nay thì sắp tới công ty có thể sẽ có lợi nhuận. Thị trường hiện đang khởi sắc, thậm chí doanh số trong ba tháng 10, 11 và 12 còn tốt hơn cùng kỳ năm ngoái do những khách hoãn tour đã khởi hành trở lại, lượng khách hàng là doanh nghiệp đặt tour cho nhân viên đi nghỉ cũng tăng cao. Điều này làm chúng tôi có thêm hy vọng cho năm mới 2021.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam:

Tiếp tục ở thế “phòng thủ”, ngưng đầu tư

- Nếu nhìn lạc quan, thị trường du lịch nội địa có thể tốt hơn từ mùa hè năm 2021, nhưng khi đó doanh nghiệp trong ngành đã rất suy kiệt, cho nên sự tăng trưởng này chưa thể tạo sự đột phá. Xu hướng du lịch trong năm 2021 là sẽ đi nhóm nhỏ, chọn dịch vụ tốt với giá vừa phải; cạnh tranh cũng sẽ rất gay gắt vì chỉ còn duy nhất thị trường nội địa.

Vì thế, kế hoạch trong năm mới này của chúng tôi là tiếp tục ở thế phòng thủ để chống chọi với sự bất định của thị trường và ngưng các dự án đầu tư để bảo tồn nguồn tiền. Trong năm 2020, đáng lẽ chúng tôi khai trương khách sạn 5 sao ở Phú Quốc nhưng phải dừng lại, nếu dự án này khởi động lại vào năm 2021 thì chúng tôi cũng chỉ hoàn tất một phần để phục vụ cho du khách trong nước. Những kế hoạch khác như đóng thêm tàu du lịch, làm cảng du lịch và mua thêm xe chở khách cũng ngưng lại; nói rõ hơn một chút là ngưng tất cả những việc phải “rót tiền”, còn những công việc liên quan đến giấy tờ, thực hiện các thủ tục thì vẫn tiến hành nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch.

Xem thêm: lmth.iom-hnac-naoh-gnort-neirt-tahp-ed-iod-yaht/342213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thay đổi để phát triển trong hoàn cảnh mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools