Sáng 31-12, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Tai mũi họng (TP.HCM), cho biết vừa cấp cứu gắp một dị vật là mảnh xương gà bị bỏ quên trong phế quản người bệnh 2 năm nay.
Bệnh nhân là bà NTT (62 tuổi, sống ở TP.HCM) có triệu chứng ho kéo dài, dai dẳng cách đây 2 năm và có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán mắc hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản nên được cho thuốc điều trị, tuy nhiên các triệu chứng vẫn còn.
Cách đây khoảng một tuần, bệnh nhân tái khám tại BV Tai mũi họng TP. Tại đây, các bác sĩ đã khai thác bệnh kỹ và được biết cách đây 2 năm, người bệnh đã bị sặc khi ăn cháo gà.
Nghi ngờ bệnh nhân bị hóc dị vật, các bác sĩ đã cho bệnh nhân nội soi, chụp CT-scan, phát hiện có dị vật nghi ngờ là xương ở phế quản gốc bên trái. Dị vật đã gây phản ứng xơ hóa nhẹ, viêm tại chỗ cho bệnh nhân.
Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn gây mê gắp dị vật là mảnh xương, kích thước từ 1-1,5cm ở phế quản gốc trái.
Mảnh xương gà bị bỏ quên trong phế quản người bệnh 2 năm. Ảnh: BVCC
Sau khi lấy dị vật, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, may mắn bệnh nhân không có biến chứng nặng về phổi, không có tình trạng tắc nghẽn phế quản, thở thông.
BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Khoa Nhi, BV Tai mũi họng TP.HCM, cho biết khi dị vật bị bỏ quên, bệnh nhân rất ít có triệu chứng khó thở. Tuy nhiên khi để lâu, dị vật thường gây phản ứng ho kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại, viêm nhiễm, áp xe phổi. Bệnh có thể chẩn đoán lầm với nhiều bệnh cảnh khác, đa phần bác sĩ không lưu ý khai thác bệnh sử của bệnh nhân, thấy bệnh nhân ho kéo dài thì chẩn đoán viêm phổi, giãn phế quản, hen suyễn hoặc thậm chí lao phổi.
“Trong các trường hợp mắc dị vật, bệnh nhân có thể được chụp X-quang. Tuy nhiên có những dị vật ít cản quang hoặc quá nhỏ, bệnh nhân cần được nội soi hoặc chụp CT-scan để phát hiện. Các bệnh nhân bị rối loạn phản xạ ho nuốt, uống thuốc an thần, rượu bia hoặc mất răng phản xạ ăn uống kém đi cũng dễ sặc và mắc dị vật hơn” – BS Thúy phân tích.
Bà T. sau ca gắp dị vật hồi phục tốt, may mắn không có biến chứng nặng. Ảnh: HL
BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc BV Tai mũi họng TP.HCM cho biết trong vòng 5 năm qua, BV đã tiếp nhận 22 ca dị vật bị bỏ quên trong đường thở. Nếu dị vật bị bỏ quên trong đường thở 30 ngày, có đến 95% bệnh nhân bị biến chứng về phổi.
“Ngoài gây viêm phổi, bệnh nhân còn có thể bị tổn thương mạch máu, ho ra máu, tràn khí màng phổi và dẫn đến tử vong. Khi phát hiện mắc dị vật, các bác sĩ thường nội soi gắp dị vật ra ngoài nhưng dị vật ở sâu quá thì bệnh nhân phải đối diện phẫu thuật mổ mở để lấy ra ngoài. BV từng tiếp nhận bệnh nhân mắc dị vật là nắp bút bi, nằm sâu ở vùng thùy dưới phế quản, không thể gắp ra được nên phải mổ mở” - BS Minh kể.
Trị ho kéo dài nhưng không đỡ Bệnh nhân NTT kể lại cách đây 2 năm, khi đang ăn cháo gà thì bị ho sặc, bà hốt hoảng khạc ra và cảm nhận mảnh xương đã qua đường thở. Bà T. kể: “Tôi cố gắng khạc cả tiếng đồng hồ nhưng không ra được gì cả. Sau đó, tôi cảm thấy êm rồi nên không để ý nữa, vài tháng sau thì tôi bắt đầu ho”. Theo bà T., bà đã khám và được chụp phim phổi ở một phòng khám tư không thấy gì bất thường nên được cho uống thuốc, vẫn cảm thấy không đỡ. Về sau, tần suất ho càng nhiều hơn, bà T. tiếp tục đi khám ở các nơi khác và được chẩn đoán lúc thì hen phế quản, lúc thì trào ngược dạ dày thực quản hoặc do có vết sẹo ở phổi gây kích ứng ho. Bà tiếp tục uống vài liệu trình đông y theo mách bảo nhưng không cải thiện, ngày càng ho dữ dội, không chịu đựng nổi. |