Quy mô kinh tế Việt Nam vượt 1.000 tỉ đô la theo sức mua tương đương
T.H
(TBKTSG Online) - Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1,05 ngàn tỉ đô la Mỹ và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 ngàn đô la.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thông tin nêu trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31-12-1945 - 31-12-2020) và Lễ đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất, ngày 31-12, tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.
Với sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, Việt Nam đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỉ đô la và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 đô la. Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1,05 ngàn tỉ đô la và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 ngàn đô la.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành kế hoạch và đầu tư luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, với bản lĩnh, trí tuệ và sự đổi mới không ngừng nghỉ của mình, hơn lúc nào hết đã ngày càng khẳng định được vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.
Ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế vững tin tiến về phía trước, nhất là Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia...
Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm, đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả các quyết sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, đạt trên 2,91%.
Trước yêu cầu, vận mệnh và thời cơ của đất nước, Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành cần tiếp tục kết thừa và phát huy truyền thống quý báu 75 năm xây dựng và phát triển.
“Từng cán bộ ngành kế hoạch phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn
.