Các nhà sử học từ các trường đại học Mỹ và Anh như Yale, Stanford, Cornell, Johns Hopkins, Oxford và Cambridge đã tham gia cuộc khảo sát do công ty Bloom thực hiện. "Năm 2020 là một năm rất căng thẳng. Chúng tôi tự hỏi những năm tồi tệ khác trong lịch sử đã thử thách lòng quyết tâm của con người nhiều như thế nào?", Leon Mueller, Giám đốc điều hành của Bloom nói.
Dưới đây là 8 năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ theo đánh giá của các nhà sử học.
Năm 1862 – Năm đen tối nhất của Nội chiến Mỹ
Năm 1862 đánh dấu bước leo thang căng thẳng lớn trong cuộc Nội chiến Mỹ. Theo các nhà sử học, đây là năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 17/9, trận Antietam diễn ra gần Sharpsburg, bang Maryland. Đây là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong suốt cuộc Nội chiến Mỹ khi hơn 4.600 người thiệt mạng và 23.000 người bị thương trong ngày giao tranh đầu tiên.
Tới 3 năm sau, cuộc Nội chiến Mỹ mới kết thúc vào năm 1865 khi tướng Robert E Lee của Liên minh miền Nam đầu hàng trước tướng Ulysses S Grant của Liên bang miền Bắc.
Năm 1929 – Thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào ngày 29/10/1929, còn được gọi là ngày thứ Ba đen tối, đã xóa sổ hàng nghìn nhà đầu tư, dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Các nhà đầu tư đã giao dịch 16 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York trong một ngày.
Chỉ qua một đêm, nhiều người dân Mỹ đã mất tiền tiết kiệm và kế sinh nhai. Nước Mỹ nhanh chóng chìm vào cuộc Đại suy thoái. Phải mất hơn một thập kỷ sau, nền kinh tế Mỹ mới phục hồi.
Năm 1838 - "Con đường mòn đẫm nước mắt"
Từ những năm 1830-1850, khoảng 100.000 người Mỹ bản địa đã bị chính phủ Mỹ cưỡng chế rời khỏi vùng đất của họ.
Năm 1838, bộ tộc Cherokee buộc phải từ bỏ vùng đất phía đông sông Mississippi sau khi mỏ vàng được phát hiện gần đó. Khoảng 15.000 người sống trong bộ tộc phải thực hiện cuộc hành trình gian khổ được gọi là "Con đường mòn đẫm nước mắt" để đến vùng đất mới, ngày nay là Oklahoma.
Hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong hành trình này vì đói, bệnh tật hoặc kiệt sức.
Năm 1919 - Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Tương tự như năm 2020, năm 1919 cũng chứng kiến một đại dịch toàn cầu thảm khốc. Khoảng 500 triệu người (chiếm 1/3 dân số thế giới) đã mắc bệnh cúm Tây Ban Nha. Theo CBS News, ước tính có khoảng 675.000 người Mỹ và 50 triệu người trên thế giới đã tử vong do dịch bệnh.
Năm 1919 cũng chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc bạo lực phân biệt chủng tộc tại các thành phố của Mỹ. Mùa hè năm 1919 được gọi là "Mùa hè đỏ" sau khi hơn 200 người da đen bị sát hại trong nhiều vụ tấn công của người da trắng ở các thành phố như Washington và Chicago.
Năm 1968 - Vụ ám sát Martin Luther King Jr. và Robert Kennedy
Năm 1968 được coi là một trong những năm bất ổn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 4/4, Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng, bị ám sát ở thành phố Memphis, bang Tennessee.
Hai tháng sau, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy (em trai cố Tổng thống John F. Kennedy), người đang tranh cử tổng thống vào thời điểm đó, cũng bị bắn chết.
Ngay sau đó, Mỹ bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình và bạo loạn khiến 39 người thiệt mạng, hơn 2.600 người bị thương và nhiều cộng động người Mỹ gốc Phi bị tàn phá.
Năm 1962 - Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
Tháng 10/1962, Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Đây là một trong những căng thẳng đỉnh điểm giữa Mỹ và Liên Xô, có nguy cơ dẫn đến bờ vực xung đột hạt nhân.
Năm 1962, Liên Xô bố trí tên lửa đạn đạo ở Cuba, chỉ cách khoảng 144 km từ bờ biển Mỹ.
Khi đó, Tổng thống John F Kennedy cảnh báo Mỹ sẽ sử dụng vũ lực quân sự, làm dấy lên lo ngại về chiến tranh hạt nhân.
Năm 2001 – Vụ khủng bố ngày 11/9
Vào sáng ngày 11/9/2001, những kẻ khủng bố đã cướp 4 chiếc máy bay chở khách. Hai chiếc đâm thẳng vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Một máy bay đã đâm vào Lầu Năm Góc và chiếc cuối cùng rơi ở Pennsylvania.
Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Đây được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong trên toàn cầu. Vụ khủng bố ngày 11/9 cũng là sự cố gây ra nhiều thương vong nhất đối với lực lượng cứu hộ, với hơn 400 người thiệt mạng.
Năm 2020 - Đại dịch Covid-19
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 82 triệu người trên toàn cầu và cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người. Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì đại dịch. Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 19 triệu ca nhiễm virus và hơn 340.000 người chết.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra khó khăn về kinh tế trên diện rộng tại nước Mỹ. Bên cạnh dịch Covid-19, nước Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều sự kiện căng thẳng trong năm nay như cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc./.