Liên quan đến loạt bài "Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế" do Báo Lao Động phản ánh, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, tới đây Tổng cục sẽ ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp ngăn chặn các hành vi trốn thuế qua các hình thức thanh toán quốc tế.
“Có thể sẽ có cơ chế khấu trừ trước khi trả cho người có thu nhập từ Amazon, Youtube...”
Ngày 31.12, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: “Đối với việc trốn thuế qua các hình thức thanh toán, trước hết, cần kiểm tra xem việc thanh toán đó có được phép không.
“Hiện nay trong kinh tế số, tôi tin có những lĩnh vực chưa có trong quy định. Ví dụ, với Bitcoin hiện nay chưa có quy định nào cho phép thanh toán qua Bitcoin nhưng thực tế cộng đồng mạng vẫn tồn tại hiện tượng thanh toán qua Bitcoin. Trước hết, hoạt động có hợp pháp không? Tổng cục thuế sẽ phải ngồi lại với Ngân hàng nhà nước để bàn bạc. Hiện tại khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa có. Tổng cục thuế sẽ trao đổi với các bên để yêu cầu cung cấp thông tin.
Tôi tin với sự tuyên truyền và vào cuộc của báo chí sẽ giúp người dân hiểu trách nhiệm đóng thuế. Những trường hợp trốn thuế là hành vi mà xã hội cần lên tiếng. Trách nhiệm tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của công dân và doanh nghiệp, không ai né tránh mãi được. Khi muốn làm ăn chân chính, bền vững cần tuân thủ pháp luật. Tổng cục Thuế có hành lang pháp lý. Việc quản lý thông qua các nền tảng và các dòng tiền, Tổng cục Thuế sẽ biết được việc đó.
Đối với doanh nghiệp phát triển bền vững, họ sẽ chủ động trong việc đóng thuế tuân thủ pháp luật.
Đối với các doanh thu từ Facebook, Amazon… khi xây dựng Thông tư, chúng tôi có kế hoạch mời các đơn vị này vào để trao đổi, thống nhất về quan điểm, yêu cầu họ tuân thủ chính sách Việt Nam và trao đổi thông tin với cơ quan thuế.
Hiện tại thông qua những số liệu từ cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chúng tôi tiếp tục làm việc với cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thanh toán từ Google, Facebook.
Chúng tôi có quyền yêu cầu các doanh nghiệp khi đã đăng kí nộp thuế ở Việt Nam thì phải trao đổi thông tin cho cơ quan thuế và có thể sẽ có cơ chế cho việc thực hiện khấu trừ trước khi trả cho người dân, doanh nghiệp”.
"Bố trí cán bộ trẻ, khảo sát hình thức kinh doanh online, đề xuất phương án quản lý’
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này vừa nhận được báo cáo từ Chi cục Hoàn Kiếm (Hà Nội), Chi cục quận 5 (TPHCM). Trong đó nêu rõ, mô hình kinh doanh truyền thống, sau đại dịch COVID-19 đã có sự chuyển dịch lên không gian số. Hoạt động mua bán online là rất lớn.
“Kinh doanh trên nền tảng số là lĩnh vực mới, điều này tạo điều kiện chuyển đổi cho các doanh nghiệp, mô hình sản xuất kinh doanh. Tổng cục Thuế có nhiều văn bản chỉ đạo. Về thể chế, chúng tôi đưa những quy định mới về quản lý nền kinh tế số. Đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới đưa vào luật quản lý.
Tới đây, trong thông tư sẽ hướng dẫn về trách nhiệm các bên liên quan đến công tác quản lý. Không chỉ riêng người kinh doanh mà các bên liên quan, kể cả trong đó có các trung gian thanh toán, các doanh nghiệp nền tảng, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Ngân hàng nên phối hợp với cơ quan thuế cùng quản lý. Mặc dù tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế số thuận lợi nhưng vẫn cần hành lang pháp lý để quản lý trong thời gian tới.
Về nguồn lực, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống, mỗi một đơn vị, kể cả các Chi cục thành lập các đơn vị chức năng, tổ đội.
Do thực trạng thay đổi hoạt động kinh doanh nên đội thuế phường, xã bố trí lực lượng cán bộ trẻ, khảo sát hệ thống kinh doanh online, đề xuất phương án, phối hợp với quản lý thị trường và trung gian thanh toán để báo cáo cấp thẩm quyền đưa ra giải pháp quản lý.
Về nguồn nhân lực sẽ chuyển hướng trong công tác quản lý đối với các hoạt định kinh doanh trên nền kinh tế số”- ông ông Đặng Ngọc Minh nói.
Những ngày qua, loạt bài điều tra của Báo Lao Động đã phản ánh về một thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiền tệ đang hằng ngày diễn ra sôi động, ngang nhiên lách qua các quy định về tỷ giá để trốn thuế, tránh sự "truy vết" của cơ quan chức năng. Việc kiểm soát dòng tiền giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế đang trở thành bài toán nan giải cho cơ quan quản lý.
Theo các chuyên gia, dưới bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển và trở thành xu thế tất yếu như hiện nay, cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh, theo kịp sự phát triển của công nghệ để có thể quản lý, tránh sự thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Xem thêm: odl.359668-ig-ion-euht-cuc-gnot-et-couq-naot-hnaht-gnoc-auq-euht-nort/et-hnik/nv.gnodoal