Sở Nội vụ TP.HCM vừa có báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và kế hoạch công tác 2022. Liên quan đến Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030, sở đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành quyết định về thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc xây dựng đề án.
Sở đã trình UBND TP về kế hoạch xây dựng đề án. Hiện Sở Nội vụ đang cùng các sở được phân công phụ trách năm đề án nhánh tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện đề cương chi tiết, trình ban chỉ đạo xây dựng đề án và UBND TP.
Theo định hướng đến năm 2025-2030 của Sở Nội vụ, huyện Cần Giờ là một trong năm huyện sẽ lên TP, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Dũng, Bí thư huyện Cần Giờ, về đề án này.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thì hiện thu nhập bình quân đầu người huyện ước đạt 69 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2021 ước đạt hơn 197,5 tỉ đồng (đạt 67,94% dự toán). Ước thực hiện tổng thu ngân sách địa phương năm 2021 là gần hơn 1.240 tỉ đồng, đạt hơn 175% dự toán. |
Chỉ 9,2% diện tích huyện Cần Giờ được nâng cấp
. Phóng viên: Thưa ông, trước thông tin huyện Cần Giờ sẽ lên TP theo định hướng đến năm 2025-2030, đã gây nhiều chú ý và có hiện tượng nhiều người đến tìm mua đất khiến khu vực này nóng hơn bao giờ hết. Ông có thể nói rõ hơn về thông tin lên TP của huyện Cần Giờ?
+ Ông Lê Minh Dũng: Hiện Sở Nội vụ TP đang trong quá trình trình đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) cho UBND TP, đây là đề án xây dựng đến năm 2030. Hiện TP cũng chưa có ý kiến gì về vấn đề này, do vậy người dân không nên hiểu nhầm là huyện sắp lên TP ngay trong nay mai. Mặt khác, theo đề án huyện Cần Giờ khi lên TP không phải cả huyện đều bê tông hóa mà chỉ có 9,2% tổng diện tích huyện là nâng cấp thành đô thị.
Cụ thể, theo Quyết định 4766/2012 của UBND huyện, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ thì đất ở với đất đô thị chỉ chiếm khoảng 9,2% tổng diện tích (trong đó đã có khu đô thị lấn biển). Trong quyết định này đã khoanh vùng phát triển khu đô thị ở đâu, chỗ nào phát triển sinh thái, sinh quyển, chỗ nào nuôi trồng thủy sản, chỗ nào rừng… rất rõ ràng.
Đường Rừng Sác, tuyến đường huyết mạch từ TP.HCM về Cần Giờ đang được thi công. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Phần diện tích còn lại của huyện Cần Giờ sẽ giữ nguyên gốc là rừng phòng hộ, là sinh quyển, là sông nước, là biển… Chính vì vậy, có thể hiểu là chỉ một phần nhỏ của Cần Giờ “biến chuyển” thành TP, còn tất cả “hồn”, văn hóa, cảnh quan, lịch sử… nơi đây đều được giữ nguyên. Việc thông tin huyện lên TP cần hết sức cẩn trọng, nếu không giá đất ở đây sẽ bị thổi lên khi đó thậm chí sẽ có người mua luôn đất nuôi trồng thủy sản.
Tôi xin thông tin rõ ràng một lần nữa, chỉ có 9,2% diện tích Cần Giờ nâng cấp lên thành thị, TP (trên nền các khu đô thị, đất ở có sẵn) và dứt khoát chỉ làm trong 9,2% đó.
Vẫn giữ giá trị cảnh quan
. Cần Giờ sẽ tập trung phát triển gì khi lên TP và khi lên TP, Cần Giờ cần đầu tư hạ tầng giao thông như thế nào?
+ Chúng ta có thể thấy giá trị cảnh quan, truyền thống, văn hóa luôn mang lại cho Cần Giờ giá trị cao hơn, nếu đánh mất những điều đó thì Cần Giờ không còn là Cần Giờ. Không giữ được sinh thái, sinh quyển thì người dân tới Cần Giờ làm gì khi mà TP còn có rất nhiều các khu đô thị như quận 7…
Sau khi phát triển thì chắc chắn sẽ đầu tư hạ tầng, còn tính cân đối như thế nào, giao thông phát triển như thế nào, như đầu tư cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác, kết nối giao thông ra làm sao thì sẽ có lộ trình cụ thể trong tương lai. Việc huyện như Cần Giờ xin lên TP thì có thuận lợi hơn, đơn giản vì trong TP có thể có tồn tại cấp xã, còn quận thì không có cấp xã mà xã chắc chắn phải lên phường.
Trong khi đó, với thực tế tại huyện thì các xã Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thới Hiệp rất khó có thể lên nổi thành phường. Chính vì vậy, Cần Giờ lên TP sẽ thuận tiện hơn và thành TP sinh thái, phát triển du lịch, các khu nghỉ dưỡng, phát triển khu đô thị lấn biển. Tất nhiên, Cần Giờ vẫn xác định nuôi trồng thủy sản, làm muối… như lâu nay.
. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển khu đô thị lấn biển, các khu đô thị và kết nối với Vũng Tàu như thế nào? Liệu sẽ hình thành một chuỗi khu đô thị biển không, thưa ông?
+ Như thông tin mọi người đã biết, khu đô thị lấn biển đã được Thủ tướng phê duyệt, hiện đang tiến hành lập quy hoạch và sẽ triển khai theo quy định sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt.
Về kết nối với Vũng Tàu, nhiều chuyên gia cũng có ý tưởng làm cầu kết nối Vũng Tàu, đó là định hướng lâu dài. Theo các nhà khoa học thì cần làm một chuỗi đô thị biển, tôi cũng tự hỏi tại sao không, vì mình có chiến lược biển, kinh tế biển. Chuỗi đô thị biển có thể kéo dài từ Vũng Tàu qua Cần Giờ, về tới Gò Công, Bến Tre. Tuy nhiên, đó là ý kiến chuyên gia, còn tương lai lâu dài có làm được như vậy hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Thậm chí đã có ý tưởng làm hầm vượt biển, nếu tính từ khu đô thị lấn biển ra thì đường chim bay khoảng 7 km để nối đến Vũng Tàu. Đó cũng là ý tưởng táo bạo của các nhà khoa học, chuyên gia.
Cần Giờ đạt 19/30 tiêu chí lên TP Vào tháng 3 năm nay, Sở Nội vụ TP.HCM báo cáo với UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030, Sở Nội vụ TP.HCM có đánh giá về năm huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè. Theo đó, những năm qua, các huyện này có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các huyện để chuyển lên quận hoặc TP thuộc TP.HCM, chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết. Theo Sở Nội vụ, qua đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè đạt 23/30, Củ Chi đạt 23/30. Riêng huyện Cần Giờ đạt 19/30, chưa đạt 50% dân số theo quy định. Huyện Cần Giờ có diện tích hơn 704 km2, dân số 73.278 người, đạt 3/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 15/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng. |