Dự kiến bay lên vũ trụ vào năm 2026 - 2030 tại Phú Quốc
Ngày 29/12, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (THD) đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của Thaispace. Theo đó, mục tiêu thành lập Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.
Thaiholdings cũng giao Ban Tổng Giám đốc hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tổng vốn điều lệ dự kiến của Thaispace là 26.688 tỷ đồng. Giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ của Thaispace. Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.
Trước đó, ngày 28/12, Thaiholdings đã thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại TP. Phú Quốc, với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 30.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có của Thaigroup và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2026.
Như vậy, nếu được thông qua, đây sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thuộc lĩnh vực du lịch không gian của Việt Nam. Lĩnh vực này cũng bao gồm sự tham gia của các doanh nghiệp như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galatic của ông trùm Richard Branson, Blue Origin của nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Amazon.
Kỷ nguyên du lịch vũ trụ của nhân loại
Đáng chú ý, năm 2021 được đánh giá là năm khởi sắc của ngành Khoa học Vũ trụ, khi các tập đoàn lớn đã thực hiện thành công những chuyến bay tư nhân vào vũ trụ, rồi quay trở lại Trái Đất một cách an toàn.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, toàn bộ quá trình ngồi lên cabin, bay vào vũ trụ, sau đó trở về Trái Đất, lại dễ dàng đến thế. Mặc dù vậy, chi phí để thực hiện cho mỗi chuyến bay như thế vẫn lên tới cả tỷ USD và nằm ngoài khả năng chi trả của 99% dân số thế giới.
Ngày 11/7/2021, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic, dù đã 70 tuổi, nhưng đã thực hiện xuất sắc chuyến bay vào vũ trụ trên phi cơ siêu thanh của riêng mình.
Chuyến bay khá ngắn ngủi, với tổng thời gian của cả quá trình bay lên và rời khỏi không gian chỉ mất khoảng 15 phút - tương đương với chuyến bay vũ trụ đầu tiên của Alan Shepard tại Mỹ vào năm 1961, nhưng đây lại đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi vị tỷ phú người Anh là người đầu tiên bay vào vũ trụ trên phương tiện do chính mình chế tạo.
Cũng từ chuyến bay này, khái niệm "bay tới rìa không gian" được hình thành. Trước đó, mặc dù không có ranh giới chính xác nơi nào không gian bắt đầu, nhưng khoa học đã vạch ra một giới hạn và nếu vượt qua nó, bạn sẽ chính thức lọt vào không gian.
Ranh giới này được gọi là "đường Karman" (Karman line), cũng thường được ví là "rìa của không gian". Đây thực chất là một ranh giới tưởng tượng nằm cách Trái đất 100 km và được công nhận rộng rãi là ranh giới giữa bầu khí quyển của Trái Đất và không gian bên ngoài.
Mặc dù chưa chạm tới "đường Karman", song các phi hành đoàn trên VSS Unity đã có thể trải nghiệm cảm giác "bay lơ lửng", cũng như thỏa sức ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao. Điều đáng tiếc là do những hạn chế của phi cơ, cũng như để đảm bảo an toàn, chuyến bay chỉ được kéo dài khoảng 15 phút trên không gian. Sau đó, họ được đưa quay trở lại Trái Đất.
Ngày 20/7/2021, tức chỉ 9 ngày sau khi tỷ phú Branson lập kỷ lục với chuyến bay của mình, tỷ phú Jeff Bezos cùng 3 người trong phi hành đoàn cũng bắt đầu sứ mệnh chinh phục "rìa không gian" từ bãi phóng của công ty Blue Origin ở Texas (Mỹ).
Không phải máy bay siêu thanh. Lần này, chúng ta được chứng kiến mô hình gồm tên lửa đẩy và cabin chứa phi hành đoàn. Đây là phương thức "truyền thống" đã đưa con người đặt chân lên vũ trụ suốt 6 thập kỷ nay, kể từ ngày phi hành gia người Nga Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay lịch sử.
Đến ngày 15/9/2021, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX bắt đầu sứ mệnh Inspiration4, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon gồm 4 hành khách từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ lên quỹ đạo không gian.
Trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, SpaceX đã thực hiện rất nhiều lần phóng tên lửa và các chuyến bay lên không gian. Song, đây mới là chuyến du hành dân sự hoàn toàn đầu tiên lên không gian của công ty vũ trụ do Elon Musk sáng lập.
Trong vòng 3 giờ, con tàu đạt đến độ cao hơn 585 km, cao hơn cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây cũng là khoảng cách xa nhất mà con người từng bay khỏi Trái Đất kể từ khi chương trình Mặt trăng Apollo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) kết thúc vào năm 1972. Cũng thay vì chỉ vài phút ít ỏi, sứ mệnh Inspiration4 của SpaceX khiến người ta không khỏi choáng váng khi đưa các hành khách bay... 15 vòng quanh Trái Đất.
Có thể nói rằng, tàu Crew Dragon của SpaceX đã thực sự trở thành một khách sạn "siêu sang", khi trong tổng thời gian bay kéo dài khoảng 3 ngày, đã cho phép các hành khách được lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác ăn, ngủ, nghỉ, thậm chí là... đi vệ sinh ở ngoài vũ trụ. Họ cũng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ và Trái Đất khi nhìn từ không gian qua một mái vòm lăng kính với góc quan sát 360 độ.
"Cuộc đua" linh hoạt hóa cơ chế bay lên vũ trụ
Như vậy, tính đến nay, đã có 20 phi hành gia không chuyên bay vào vũ trụ trong năm 2021. Cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ, theo dự báo của UBS, giá trị thị trường của ngành du lịch vũ trụ có thể đạt tới 3 tỷ USD vào năm 2030.
Kèm với đó, nhiều quốc gia đang ngày càng phóng nhiều vệ tinh lên không gian. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã phóng Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) - trạm không gian đầu tiên của nước này. Một tháng sau đó, tàu thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên mang tên Chúc Dung đã đáp xuống Hành tinh Đỏ, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai thực hiện thành công sứ mệnh này (sau Mỹ).
Tháng 2, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã phóng một tàu thăm dò vào quỹ đạo Sao Hỏa, trở thành nước thứ 5 trên thế giới, đồng thời là quốc gia Arab đầu tiên khám phá hành tinh này.
Hay như Nga cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh vào tháng 11 vừa qua. Trong khi đó, Mỹ phản đối động thái này vì cho rằng vụ thử đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo lớn, đe dọa đe dọa nhiều vệ tinh và thiết bị ngoài không gian, trong đó có ISS.
Hà Trần
Doanh nghiệp và Tiếp thị