Năm 2021, dịch COVID-19 tác động lớn đến dòng đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư thận trọng hơn tìm điểm đến đầu tư. Tuy niên, từ đó các dự án đầu tư chất lượng cao được chọn lọc.
Thống kê cho thấy trên cả nước dự án FDI được cấp mới giảm hơn 31% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại tăng trên 4%. Điều này cho thấy, các dự án quy mô lớn, chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ.
Thị trường đồ chơi châu Á đang bùng nổ. Việt Nam sẽ là miếng ghép tiếp theo trị giá hơn 1 tỷ USD trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Tập đoàn Lego.
"Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được quy mô mở rộng, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, việc mở nhà máy đang tác động tích cực đối với môi trường với quy trình sản xuất xanh, bền vững để hướng tới mục tiêu không khí phát thải C02", ông Carsten Rasmussen - Giám đốc vận hành của Tập đoàn LEGO cho hay.
Năm 2021, Việt Nam thu hút được hơn 31,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý dòng vốn hướng vào chất lượng hơn là số lượng. Quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án khoảng 9 triệu USD, cao gần gấp đôi so với năm trước.
Việt Nam là điểm đến đầu tư chất lượng cao. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Những phản ứng chính sách kịp thời đã phát huy hiệu quả. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể khiến dòng đầu tư chậm lại quý II, III nhưng sức bật trở lại được ghi nhận từ tháng 10 sau khi Nghị quyết 128 được ban hành.
"Một trong những mối bận tâm nhất đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ đó là chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các sản phẩm không thể tiếp cận được thị trường kịp thời. Tuy nhiên, đây lại là điểm Việt Nam xử lý sớm và hiệu quả thông qua phản ứng chính sách kịp thời đối với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logistics và an toàn dịch bệnh", bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết.
Trong nguy có cơ, COVID-19 đang định hình lại dòng đầu tư. Nhà đầu tư lựa chọn điểm đến không chỉ là môi trường kinh doanh hấp dẫn, chi phí, nhân công thấp… mà còn là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng.
Quốc tế tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển 2021, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều tháng qua đều liên tục đưa ra khảo sát và cho thấy gần 80% doanh nghiệp đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là những thông tin đáng chú ý được một số trang báo quốc tế uy tín phân tích và bình luận.
Báo Sputnik của Nga có bài nhận định: "Năm 2021 kết thúc - đó là một năm không hề dễ dàng đối với Việt Nam, nhưng đất nước đã tập trung sức mạnh để vượt qua khó khăn và đạt được kết quả ấn tượng".
Với tiêu đề: "Nền kinh tế Việt Nam mở rộng trong quý IV khi sản xuất phục hồi", tờ Bloomberg nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong quý IV khi lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu phục hồi sau đợt dịch lao dốc hồi đầu năm.
Ông Torben Minko - Tổng Giám đốc Công ty TNHH B.Braun Việt Nam cho hay: "Việc sống chung với COVID-19 theo Nghị quyết 128 là một điều kiện quan trọng để phục hồi kinh tế nhanh chóng. Chúng tôi đang có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư tại Việt Nam trong năm sau".
"Tôi nghĩ khả năng chống chịu của nền kinh tế vẫn được giữ vững trong tương lai. Tốc độ triển khai tiêm chủng đang diễn ra nhanh hơn dự đoán", ông Thue Quít Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam nhận định.
Gần 80% doanh nghiệp đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Nhìn nhận về việc đầu tư làm ăn tại Việt Nam năm mới, theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, có gần 80% doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn khi đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nakajima Takeo - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết: "Trong vòng 10 - 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản. Gần như không có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới".
"Chính phủ nhận thức được tình hình và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu rất tốt. Tôi tin rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Có thể nói rằng, khủng hoảng đã phần nào thúc đẩy chính sách cải cách của Việt Nam cần thực hiện để trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2025", ông Jacquest Morisset - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Ngân hàng Standard Chartered vừa cho biết, trên 40% công ty quốc tế được khảo sát đang tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch đặt trụ sở tại đây trong những năm tới, khẳng định những biến động trước mắt do dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến niềm tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32821039130102202-oac-gnoul-tahc-ut-uad-ned-meid-al-man-teiv/et-hnik/nv.vtv