Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, cùng với đó, kênh huy động vốn này cũng bộc lộ những rủi ro đáng báo động, đến mức các bộ, ngành phải lên tiếng cảnh báo và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt.
Sinh lời lên tới 21,3%/năm
Theo chỉ dẫn của bạn bè, chúng tôi liên hệ bằng điện thoại với Huyền - nhân viên của Tập đoàn N.T có trụ sở tại tỉnh Kiên Giang - chuyên kinh doanh về taxi, vận tải hàng hóa, du lịch và bất động sản trải dài từ Nam ra Bắc.
Tờ quảng cáo chào mời đầu tư trái phiếu do một doanh nghiệp phát hành
Kế hoạch thanh toán lãi và thưởng do Tập đoàn N.T đưa ra khi chào mời nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu
Nghe chúng tôi nói có ý định đầu tư trái phiếu, Huyền lập tức giới thiệu về chương trình đầu tư của tập đoàn với nhiều ưu đãi kèm theo. Theo đó, nhà đầu tư có thể mua trái phiếu của Tập đoàn N.T kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 10%, cộng với việc trả thưởng 6,3% và khuyến mãi 5%, tính ra mức sinh lời lên tới 21,3%/năm và được thanh toán lãi hằng tháng. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cam kết giữ trái phiếu trên 3 tháng, sau đó mới được chuyển nhượng cho người khác và phải nộp phí chuyển nhượng 3%.
Biết chúng tôi có ý định mua 200 triệu đồng trái phiếu nhưng còn băn khoăn về tính pháp lý của đơn vị phát hành, Huyền liền cung cấp hàng loạt thông tin về hoạt động của Tập đoàn N.T và cho biết tập đoàn có 9 công ty thành viên. Trong đó, Công ty CP N.T Rạch Giá làm đại diện phát hành trái phiếu và đã làm đầy đủ các thủ tục phát hành hình thức riêng lẻ theo Nghị định 153 của Chính phủ. Đơn vị tư vấn, tổ chức đăng ký lưu ký trái phiếu là một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội. "Tập đoàn N.T hiện có 2 chuỗi gara ôtô lớn nhất ở 2 tỉnh Bình Dương và Kiên Giang. Tập đoàn phát hành trái phiếu là để đầu tư vào chuỗi gara ôtô này nên chuyện phá sản là rất khó xảy ra. Mặt khác, công ty đang tạo một mô hình kinh tế khép kín nên doanh thu và thu nhập luôn tăng đều trong các tháng, các năm. Tuy phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm nhưng công ty có nền tảng kinh tế rất vững, giá trị tài sản lên đến 700 tỉ đồng…" - Huyền giải thích rồi cho biết thêm đã có rất nhiều nhà đầu tư từ mọi miền như TP HCM, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Hà Nội… tin tưởng và mua trái phiếu của Tập đoàn N.T. Trong khi đó, câu hỏi của chúng tôi về việc ngân hàng (NH) nào tham gia bảo lãnh thanh toán trái phiếu của công ty, thì không được Huyền trả lời.
Tương tự, chúng tôi liên hệ với Tập đoàn S. hỏi mua 500 triệu đồng trái phiếu. Nhân viên của tập đoàn này thông báo trái phiếu kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 10%, tài sản bảo đảm là các dự án mà tập đoàn đang đầu tư tại Hà Nội, Nha Trang… Chúng tôi hỏi NH nào bảo lãnh thanh toán trái phiếu, người này chỉ trả lời chung chung rằng có một NH tham gia quản lý tài sản, tức người đã mua trái phiếu của tập đoàn này có thể thế chấp trái phiếu đó để vay vốn tại NH quản lý tài sản.
Đủ kiểu lách luật
Trước đó, chúng tôi từng tiếp cận một NH làm kênh phân phối trái phiếu cho một DN bất động sản với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi NH từ 1-3 điểm %. Điểm đáng chú ý là chủ DN này cũng là chủ của một NH có trụ sở TP HCM nhưng NH này không tham gia bảo lãnh thanh toán trái phiếu do DN bất động sản phát hành. Điều này đặt ra hoài nghi về việc DN bất động sản huy động vốn bằng trái phiếu là huy động vốn cho NH, nhằm né tránh việc chạy đua tăng lãi suất tiết kiệm.
Cách đây không lâu, thị trường tài chính từng bàn tán một công ty ở TP HCM có vốn pháp định chỉ vài tỉ đồng; ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đẹp nhưng lại phát hành riêng lẻ thành công hơn 700 tỉ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, chủ của công ty phát hành trái phiếu lại là chủ một NH và một công ty bất động sản cỡ lớn. Từ đó, thị trường suy đoán người mua trái phiếu là NH, tức NH đã cho DN "sân sau" vay tiền để giải quyết các vấn tài chính liên quan lẫn nhau. Điều này cho thấy dòng tiền này không chảy vào sản xuất, trái với định hướng của NH Nhà nước.
Một hiện tượng khác của thị trường trái phiếu là trong bối cảnh dịch bệnh, DN không có tài sản thế chấp và không chứng minh được việc sử dụng vốn hiệu quả nên không thể vay được tiền từ NH. Từ đó, DN phải chuyển hướng phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút tiền đầu tư của người dân.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP HCM nhận định việc DN phát hành trái phiếu riêng lẻ cho một nhà đầu tư với lãi suất cao nhưng không chứng minh được hiệu quả số vốn huy động được là khá bất thường, dẫn đến hoài nghi đơn vị phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ là một.
TS Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng thị trường trái phiếu DN thời gian qua chưa được kiểm soát chặt. Nhiều người mua trái phiếu nhưng không biết tình hình kinh doanh của DN phát hành như thế nào và mà chỉ tin tưởng người phân phối là NH và công ty chứng khoán. "DN huy động cả trăm, cả ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát dòng tiền này có sử dụng sai mục đích không? Trong hồ sơ phát hành, DN nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án nhưng ai chắc rằng họ không đem tiền đổ vào những địa chỉ khác. Chưa kể, số tiền huy động được từ trái phiếu có khi còn lớn hơn so với giá trị tài sản của công ty" - ông Chí nói.
Cũng theo TS Lê Đạt Chí, ở các quốc gia các nước phát triển, DN muốn phát hành trái phiếu thì ngoài tài sản bảo đảm, phải có xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc đi vay. Trong khi ở Việt Nam, quy trình này khá lỏng lẻo. Do đó, theo ông Chí, các cơ quan quản lý cần thanh tra, giám sát để tránh việc phát hành quá dễ dãi, trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, tránh việc NH bắt tay DN "sân sau" để rồi phát sinh nợ xấu khó xử lý. "Những trái phiếu do công ty chứng khoán đứng ra phát hành cũng phải có báo cáo rõ ràng để người mua an tâm" - ông Lê Đạt Chí góp ý.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho rằng thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn sơ khai, cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cuộc chơi này chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức, đủ năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động, tính khả thi của dự án mà DN đưa ra, nếu không có thể đón nhận "trái đắng".
Trước sự phát triển bất thường của thị trường trái phiếu, đầu tháng 12-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ Tài chính tiến hành thanh - kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu DN, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, NH có liên quan tới DN bất động sản.
Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng liên tục khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu DN. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của DN có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích; bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành...
Xem thêm: mth.21365021240102202-yat-tud-yagn-oc-oad-iohc-peihgn-hnaod-ueihp-iart/et-hnik/nv.moc.dln