FoodMap, một nền tảng thương mại điện tử agritech kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng B2C và B2B, đã huy động được vượt mức đăng ký với 3 triệu USD trong vòng tiền Series A.
Vòng huy động do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu. Ascend Vietnam Ventures và nhà đầu tư hiện tại Wavemaker Partners cũng tham gia vòng gọi vốn này.
Bất chấp những bước tăng trưởng vượt bậc gần đây trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ, Việt Nam nhìn chung vẫn là một nước nông nghiệp với khoảng 20% dân số làm việc trong nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khó khăn vẫn chưa được giải quyết như quá nhiều trung gian khiến giá nông sản cao gấp 6-7 lần khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Tình trạng chất lượng trong sản xuất thực phẩm không được kiểm soát khiến cho giá xuất khẩu thấp và người tiêu dùng không tin tưởng.
Được thành lập vào năm 2020 bởi Phạm Ngọc Anh Tùng, FoodMap hướng tới mục tiêu giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu trong chuỗi cung ứng vô hình bằng hệ thống quản lý đầu cuối cho nông dân và nhà cung cấp.
FoodMap giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong cung cầu của lĩnh vực nông nghiệp
"FoodMap muốn giúp cả hai bên cung cầu bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thực phẩm Việt Nam và tăng khả năng hiện diện sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng để củng cố lòng tin của khách hàng. Chúng tôi hiện tập trung vào các sản phẩm tươi sống, hải sản, thịt chọn lọc, các sản phẩm chế biến sẵn và không dễ hư hỏng", anh Tùng chia sẻ.
Hiện tại, FoodMap cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất cho Việt Nam. Nền tảng cho phép khách hàng nhìn thấy sản phẩm của FoodMap thông qua nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng di động. Tất cả các sản phẩm được đưa vào FoodMap đều có mã QR.
Đối với người nông dân, FoodMap giúp tăng thu nhập đối với các sản phẩm thô của họ lên khoảng 10%-20% trong khi giảm các khoản chi phí kém hiệu quả qua nhiều lớp trung gian. Bên cạnh đó, nền tảng cung cấp nhiều thông tin chuyên môn và cách thức giúp người nông dân lập kế hoạch thu hoạch.
Đối với các nhà cung cấp, FoodMap mang thương hiệu và câu chuyện của họ đến với khán giả trực tuyến và bắt đầu số hóa doanh số bán hàng. Ví dụ, đối với một số thương hiệu lâu đời, FoodMap đã bắt đầu tạo ra tới 50% tổng doanh số bán hàng. Mặt khác, nền tảng cung cấp cách thức kiểm soát chất lượng và tìm hiểu sản phẩm cho khách hàng.
"Một điều khiến FoodMap trở nên khác biệt so với các công ty công nghệ thực phẩm khác là sự hiểu biết sâu sắc của chúng tôi về khẩu vị của người tiêu dùng và xây dựng các sản phẩm phù hợp cho các dịch vụ nhãn hiệu riêng của họ. Điều này giúp tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao, lòng trung thành với thương hiệu và tính độc quyền là lợi thế cạnh tranh", ông Tùng nói thêm.
FoodMap hiện có 5 sản phẩm nhãn hiệu riêng - trà và cà phê, trái cây, đồ nấu sẵn, sôcôla và hải sản, những sản phẩm này tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Foodmap.
Công ty hiện đang hoạt động với hai kho hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về hoạt động giao hàng, hầu hết các sản phẩm được giao trong vòng 24 giờ để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
FoodMap có kế hoạch phát triển hoạt động B2B ở thương mại hiện đại và các cửa hàng thương mại truyền thống.
Đối với hoạt động B2C, FoodMap gần đây đã khởi động một chương trình liên kết mua theo nhóm cho phép bán hàng trên mạng xã hội để tiếp cận các khách hàng của mình.
(Theo e27)
An Nhiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.49062936150102202-dsu-ueirt-3-gnoc-hnaht-gnod-yuh-pamdoof-teiv-putrats/nv.zibefac