Sau khi TP HCM ra quyết định cho phép các loại hình kinh doanh như quán bar, vũ trường, karaoke, massage được hoạt động lại từ 10/1, nhiều doanh nghiệp không giấu được sự phấn khởi.
"Chúng tôi rất mừng khi ngành 'nightlife' (dịch vụ kinh doanh ban đêm là chính) được hoạt động lại. Trong suốt mùa dịch, nhân viên của chúng tôi rất khó khăn, mất hoàn toàn thu nhập", anh Lê Ngọc Phiên, Đại diện Candi Shop Bar nói với VnExpress. Anh cho hay, đội ngũ đã sẵn sàng và háo hức chờ đến tuần sau.
Theo kế hoạch của cơ sở này, từ 8/1, họ sẽ kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống, máy móc, sản phẩm, lau dọn vệ sinh, xịt khử khuẩn, chuẩn bị công tác 5K. Để quay lại kinh doanh, mục tiêu kép sắp tới là vừa tuân thủ được quy định phòng dịch, vừa làm hài lòng khách hàng.
"Chúng tôi sẽ nâng cấp trang thiết bị, nghiên cứu và phát triển món mới, lên kế hoạch truyền thông, sự kiện để thu hút tệp khách hàng mới. Đồng thời, quán sẽ cải thiện những khuyết điểm, thiếu sót để giữ chân khách cũ", anh Phiên nói thêm.
Chị Thùy Dương, Đại diện bộ phận kinh doanh của chuỗi karaoke Icool cho biết có thể hoạt động ngay đúng ngày 10/1. "Thời gian qua, 500 nhân sự của công ty trông ngóng từng ngày, chỉ mong sớm được quay lại làm việc", chị nói.
Không được hoạt động hơn nửa năm qua (trừ được hoạt động lại một ngày duy nhất hôm 17/11/2021), nhưng để bảo quản trang thiết bị, chị Dương cho nhân viên lau dọn mỗi ngày. Hiện các chi nhánh đẩy mạnh tổng vệ sinh, chuẩn bị bọc micro, cồn sát khuẩn... cho ngày hoạt động lại.
Các cơ sở kinh doanh spa, massage cũng chung tâm trạng. "Tôi đã trông ngóng mở cửa rất lâu để có thể bù đắp những khoản lỗ mùa dịch", anh Phạm Trọng Nghĩa, Chủ Lavie'Care Clinic & Spa (quận 10) nói. Theo anh, thông tin cho phép mở cửa giữa tháng 1 và cũng sắp đến Tết như này có lẽ hơi muộn so với các ngành nghề khác.
"Spa đóng cửa từ cuối tháng 5 và đã có rất nhiều cơ sở trong ngành này phá sản khi không thể gồng gánh nổi chi phí duy trì. Bởi không được hoạt động nhưng spa vẫn phải trả chi phí thuê nhà như bình thường", anh Nghĩa kể lại những khó khăn thời gian qua.
Dù được mở cửa lại, nhiều đơn vị khá dè dặt khi dự báo về sức mua, bất chấp cuối năm Âm lịch là thời điểm người tiêu dùng có thể nới rộng hầu bao để làm tiệc tất niên, giải trí, làm đẹp.
Anh Lê Ngọc Phiên dự báo lượng khách quay lại cao lắm khoảng 70-80% so với thời gian trước. Theo anh, thị trường cocktail bar đang dần bão hòa, các đơn vị kinh doanh đứng trước cạnh tranh lớn về hình ảnh, dịch vụ và sản phẩm.
Anh Minh Trí, Chủ một lounge ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 cũng dự đoán các quán bar có thể nhộn nhịp vào 1-2 tuần đầu mở lại, với công suất tốt nhất đạt 80% so với trước dịch nhưng sau đó sẽ giảm dần.
"Mới mở lại chắc chắn sẽ đông vì một số khách muốn tìm lại cảm giác đi bar lâu ngày. Nhưng về tình hình chung sẽ không còn như trước vì kinh tế đi xuống, giãn cách lâu ngày người ta cũng quen vui chơi tiệc tùng theo nhóm riêng tại gia hay thuê căn hộ rồi", anh nói.
Cũng theo anh Trí, các cơ sở còn tồn tại đến giờ chỉ thuận lợi ở mặt đã có nhiều đối thủ phá sản mùa giãn cách nên khách ít lựa chọn hơn. Tuy nhiên, mùa đón khách Việt kiều về quê ăn Tết và đến bar vui chơi như trước đây giờ không còn.
"Sắp tới sẽ mở cửa đón khách quốc tế lại, lỡ Omicron bùng phát liệu có bị đóng cửa lại không? Nghĩ tới chuyện này đã thấy hoạt động kinh doanh quá bấp bênh", anh nói.
Những năm trước, gần đến Tết Nguyên đán là cao điểm bận rộn của giới spa vì mọi người đổ xô đi tân trang lại nhan sắc. Nhưng lần này, anh Phạm Trọng Nghĩa dự đoán khách hàng sẽ bị cắt giảm phần lớn lương thưởng nên phần dành cho làm đẹp, chăm sóc bản thân có thể bị rút bớt hoặc lược bỏ đi.
"Trong bối cảnh dịch dã này, tôi e rằng khách hàng sẽ kỹ càng, đắn đo suy nghĩ nhiều hơn khi quyết định làm một dịch vụ gì đó mà nó không thiết yếu như spa", anh nói.
Chị Quỳnh - Chủ của CHI's Beauty chuyên massage mặt và toàn thân tại quận Bình Thạnh - cũng cho rằng khách sẽ dè chừng vì còn tâm lý lo sợ, nhất là khách trung niên giảm nhiều. Nguồn thu chính bây giờ trông đợi vào khách trẻ văn phòng, những người có tâm lý thoải mái hơn.
TP HCM có khoảng 500 quán karaoke, bar, vũ trường, phải dừng gần 8 tháng để phòng dịch. Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, việc mở cửa các cơ sở này nhằm tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân, thúc đẩy hoạt động phục vụ khách du lịch, từng bước khôi phục kinh tế.
Theo quy định về các biện pháp thích ứng, kiểm soát Covid-19 được UBND TP HCM ban hành tháng 11/2021, điều kiện để các quán karaoke, vũ trường, massage, câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động là người làm việc phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19. Khách cũng tiêm đủ liều vaccine, khỏi Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.
Ở địa bàn ghi nhận dịch cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 3 (nguy cơ cao), các dịch vụ này được hoạt động nhưng công suất tối đa lần lượt 50% và 25%, tạm dừng khi dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).
Dỹ Tùng