Hơn 4 triệu doanh nghiệp nhỏ đóng cửa
Khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đã đóng cửa vĩnh viễn trong 11 tháng đầu năm - nhiều gấp 3 lần số doanh nghiệp mới mở trong cùng thời gian, theo dữ liệu của Báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Số liệu cho thấy, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, tỷ lệ hủy đăng ký của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đã vượt qua số doanh nghiệp mới đăng ký ở Trung Quốc.
Bắc Kinh coi hơn 40 triệu công ty siêu nhỏ và nhỏ của quốc gia này là "xương sống" của khu vực tư nhân Trung Quốc, làm nền tảng cho nền kinh tế quốc gia.
Trong hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên vào đầu tháng 12, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng tăng trưởng đang phải đối mặt với "áp lực gấp 3" là giảm cầu, cú sốc nguồn cung và triển vọng thấp.
Có khả năng số lượng công ty hủy đăng ký trong năm nay cũng sẽ vượt quá năm ngoái - 4,45 triệu công ty - đã là mức cao nhất trong lịch sử với tỷ lệ gần như gấp đôi năm 2019 và gấp khoảng 10 lần so với năm 2018.
Với vai trò là trụ cột kinh tế của quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ hơn chiếm một nửa doanh thu từ thuế của Trung Quốc, 60% GDP và 80% việc làm ở thành thị.
Các công ty này cũng phải chịu gánh nặng của sự suy thoái kinh tế do đại dịch, mặc dù chính phủ đã cắt giảm thuế và phí.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết, xu hướng chung mà dữ liệu chỉ ra là khá hợp lý và không thực sự đáng ngạc nhiên. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đang chịu áp lực rất lớn để tồn tại.
Cái giá của chính sách Zero Covid
Chiến lược Zero Covid của Trung Quốc đã làm hạn chế tiêu dùng và các đợt bùng phát dẫn đến tình trạng phong tỏa. Trong khi đó, những thách thức mới tiếp tục gia tăng, bao gồm giá nguyên liệu đầu vào cao; chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt...
Thường thì những doanh nghiệp nhỏ đó sẽ tiếp tục hoạt động trong thời gian đầu, nhưng khi bước sang năm thứ 2, khi những tác động từ môi trường kinh doanh xấu đi tích lũy dần dần, họ có thể thấy không có triển vọng, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách Zero Covid, Zhang nói.
"Vì vậy, làm thế nào để điều chỉnh tác động của chính sách không khoan nhượng đối với kinh tế vĩ mô, trong trung và dài hạn, là vấn đề vĩ mô rất quan trọng", nhà kinh tế trưởng nói thêm.
Đầu tháng này, Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, nói rằng các chỉ số kinh tế chính thức đã không thể hiện đầy đủ các vấn đề thực sự mà đất nước phải đối mặt.
Ông cũng lưu ý rằng dữ liệu công khai chỉ cho thấy có bao nhiêu công ty mở cửa ở Trung Quốc nhưng không tiết lộ số công ty đã biến mất.
Bên cạnh những cú sốc ngắn hạn, có những lý do sâu xa đằng sau việc các công ty nhỏ cúa Trung Quốc dễ bị tổn thương, bao gồm "vị trí yếu kém của họ trong chuỗi công nghiệp", theo Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng tại Dongwu Securities.
Họ không có đủ khả năng thương lượng với các chuỗi cung ứng thượng nguồn và hạ nguồn, các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài chính, vì vậy dòng tiền của họ dễ bị tổn thương nhất, Ren nói trong một báo cáo hồi cuối năm.
Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc cần hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, bao gồm cả việc giảm thuế và phí hơn nữa.