Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Crom (Cr) là kim loại quan trọng, có nhiều ứng dụng trong ngành kim loại, hóa chất và vật liệu chịu lửa. Crom được coi là một trong những tài nguyên chiến lược và quan trọng nhất của Mỹ. Việc sử dụng crom trong sắt, thép và hợp kim màu giúp tăng cường độ cứng và khả năng chống ăn mòn và oxy hóa.
Ở nhiệt độ thường, lớp crom giúp thép không gỉ hầu như không bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, hơi nước, nước biển, axit và kiềm… Nhờ đặc tính này, đây là nguyên vật liệu được ưa thích trong công nghiệp chế tạo xe hơi, tàu thủy, dụng cụ y tế y và các chi tiết máy.
Khai thác crom ở Việt Nam
Theo TS. Đào Duy Anh tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, quặng cromit (khoáng vật oxit của crom) của Việt Nam tập trung chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa với tổng trữ lượng được xác định vào khoảng 25 triệu tấn. Theo tờ Công an Nhân dân và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), mỏ quặng cromit ở Thanh Hóa là mỏ lớn nhất Đông Nam Á.
Trong đó, riêng mỏ Cổ Định có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn quặng cromit, 3 triệu tấn kim loại niken, 300 ngàn tấn kim loại coban và hàng triệu tấn bentonit.
Nhu cầu thế giới hàng năm cần khoảng 12 triệu tấn quặng tinh cromit làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và nhu cầu tăng trưởng ước tính là 4% mỗi năm.
Công ty CP Cromit Nam Việt liên kết với đối tác Trung Quốc vận hành sản xuất sản phẩm có crom. Ảnh: ĐSPL
Cũng theo nghiên cứu, mỏ cromit Cổ Định được phát hiện năm 1927, người Pháp bắt đầu khai thác quặng ở mỏ này từ năm 1930. Trong các năm 1930 - 1931, Pháp đã khai thác được 4.231 tấn tinh quặng. Trong 3 năm 1942-1944, Nhật khai thác được 12.377 tấn tinh quặng (tương đương khoảng 4.000 tấn/năm). Mỏ được phục hồi sau ngày hoà bình lập lại ở Miền Bắc từ năm 1956, sản lượng tinh quặng đạt cao nhất là 36.084 tấn vào năm 1963.
Từ năm 1965 đến 1984, Việt Nam đã khai thác được 353.629 tấn tinh quặng chứa 46% quặng cromit (khoảng 17 nghìn tấn/năm). Sản lượng khai thác trong những năm gần đây chỉ xấp xỉ 10 nghìn tấn tinh quặng. Như vậy, có thể thấy sản lượng khai thác cromit tại Việt Nam có xu hướng giảm trong khi cơ sở vật chất và công nghệ hiện tại tốt hơn 60 năm trước.
Dù Thanh Hóa đã cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện dự án chế biến sâu quặng cromit, nhưng tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu quặng thô ra nước ngoài vẫn nóng bỏng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc không xuất khẩu quặng thô, từ năm 2004 tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định cấm khai thác, xuất khẩu quặng cromit thô.
Các khu vực mỏ cromit Thanh Hóa. Nguồn: Dinh Van Dien, Tran Xuan Duc
Theo đánh giá của Viện: "...do cơ chế quản lý và cấp mỏ còn nhiều bất cập, quá trình khai thác, chế biến được quy hoạch không tốt nên mặt bằng hiện nay của vùng mỏ bị đào xới mạnh, các thân quặng không còn nguyên vẹn, việc khai thác tự do là phổ biến, chủ yếu tập trung khai thác ở các phần thân quặng giàu, bỏ qua những khu vực có hàm lượng quặng thấp dẫn đến lãng phí tài nguyên và tàn phá cảnh quan môi trường".
Chưa hiệu quả
Trong khi đó, năm 2019, báo Đầu tư cũng đã thẳng thắn chỉ rõ sự bết bát trong các dự án liên quan tới crom tại Thanh Hóa, trong đó nêu rõ:
"Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt thường xảy ra sự cố tắc lò hoặc cho ra sản phẩm có chất lượng chưa đạt yêu cầu; hàm lượng crom trong ferocrom chỉ đạt 55-58%, trong khi để xuất khẩu thì phải đạt tối thiểu 68%, dẫn đến giá bán sản phẩm thấp, kinh doanh không hiệu quả và doanh nghiệp phải đóng cửa".
Dựa trên nền tảng rằng Việt Nam có nguồn khoáng sản cromit có trữ lượng lớn, có các nguyên liệu phụ như than, khoáng chất công nghiệp…, TS. Đào Duy Anh cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến cromit. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được tối đa lợi thế về khai thác crom. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý muốn tham gia vào các dự án khai thác mỏ crom ở Thanh Hóa.
https://soha.vn/so-huu-mo-kim-loai-quy-lon-nhat-dna-san-luong-khai-thac-o-viet-nam-thua-60-nam-truoc-2022010321112312.htm