Cận Tết, anh Mùa Nỏ Khư (trú bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) dạo quanh một vòng kiểm tra vườn đào của mình rồi cẩn thận đánh dấu lại những cành đào đã được thương lái cọc tiền, chuẩn bị chặt mang về xuôi phục vụ thị trường hoa tết. Anh bảo “thương lái họ đặt mua từ 2 tháng trước Tết. Đào nhà mình mới 6 năm nên chỉ bán những cành lớn thôi, không bán hết”.
Ít năm trước, vợ chồng anh Khư quyết định rào lại ngọn đồi phía sau hông nhà vốn để trồng gừng chuyển sang trồng 400 gốc đào. “Thấy dịp tết người dưới xuôi kéo nhau lên tìm mua đào dịp tết rất đông, giá lại cao nên mình chuyển sang trồng đào để bán. Trồng đào khoẻ hơn rất nhiều so với các loại cây khác, dường như ít phải bỏ công chăm sóc” - anh Khư nói và cho biết, vụ đào Tết năm ngoái, anh thu hoạch “bói” vài chục cành vụ đầu tiên đã kiếm được hơn 20 triệu đồng.
Người dân xã Na Ngoi tất bật chăm sóc vườn đào chuẩn bị cho vụ Tết |
Xã Na Ngoi nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này đã tạo cho thân cây mọc nhiều rêu mốc, cổ kính. Bởi thế cây đào ở nơi đây thường được các thương lái săn lùng trong những dịp tết. Ông Già Chủ Chảy (trú bản Buộc Mú 2) cho biết, từ nhiều đời nay, cây đào đá được người Mông giữ gìn, nhân giống như một phần không thể thiếu trong đời sống.
Đào được trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần di canh, di cư. Cây đào không chỉ góp phần làm đẹp bản làng, mà nó còn giúp người Mông kiếm thêm thu nhập nhờ bán quả. Xưa kia, cây đào ở nơi rẻo cao này chỉ đem lại một khoản thu nhập khá khiêm tốn từ thu hoạch quả. Những năm gần đây, cây đào đá của người Mông còn góp phần đem đến cái tết no đủ ở vùng rẻo cao xứ Nghệ nhờ bán cành cho “dân phố” chơi Tết.
Đào được người dân xã Na Ngoi trồng nhiều quanh nhà, dọc ven đường như một nét văn hóa không thể thiếu |
“Đào rừng tự nhiên thì rất hiếm, gần như không có bán trên thị trường. Còn đào mà Tết bà con mang xuống xuôi bán là đào rừng trồng ở vườn nhà nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có. Giá trị cao nên người dân trồng đào ngày một nhiều hơn” - ông Chảy nói.
Là một trong những người sở hữu vườn đào lớn nhất vùng, anh Xồng Bá Lẩu - Trưởng bản Buộc Mú 1 (xã Na Ngoi) cho biết, năm 2011, anh liều đầu tư trồng gần 900 gốc đào mốc trên diện tích 3ha. Hàng năm, anh thường chọn những cành đẹp nhất chặt bán, thu lợi trên 100 triệu đồng. Gốc đào được giữ lại, sau 3-4 năm cành bị chặt sẽ tiếp tục phát triển và lại cho thu hoạch.
Anh Khư cho hay người dân Na Ngoi chủ yếu chỉ cắt cành bán chứ ít khi bán cả cây cho thương lái |
“Cả một năm gia đình anh đều nhìn vào vườn đào cuối năm để cho con cái ăn học, mua sắm đồ dùng trong nhà. Vì đào trồng lâu năm nên có rất nhiều người hỏi mua, nhiều người họ muốn mua cả gốc giá rất cao nhưng tôi chỉ bán cành, để giữ cho những vụ sau” - anh Lẩu nói.
Những ngày cuối năm, những bản làng dưới chân đỉnh Pu Xai Lai Xeng trở nên thơ mộng hơn cả khi đào, mận bung bắt đầu bung nở trên các sườn đồi, cung đường. Toàn xã Na Ngoi hiện có khoảng 100ha đào, phân bố chủ yếu ở các bản Buộc Mú, Kẻo Bắc, Ka Nọi… Đào hiện cũng được xem là cây chủ lực của xã, giúp nhiều người thoát nghèo.
Nương rẫy được người dân phủ kín bằng các cây đào đá |
Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, hiện 100% hộ dân ở xã này đều trồng đào, nhà ít vài chục gốc, nhiều thì vài ha. So với bán quả thì bán cành đào vào dịp tết dễ bán hơn, lợi nhuận mang lại cao hơn rất nhiều.
“Chúng tôi cũng đang vận động người dân trồng đào trên các sườn đồi, trên nương rẫy, vừa tiện chăm sóc, chặt cành để bán dịp Tết vừa có nguồn thu nhập cao. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân chỉ nên bán cành, giữ lại gốc để có thu hoạch đều mỗi năm” - ông Giờ nói.
Phan Ngọc
Xem thêm: lmth.4064541a-tet-iohc-ohp-nad-uv-cuhp-gnur-oad-gnort-ohn-nel-tahp-nab-nad/nv.moc.enilnounuhp.www