Sau khi những chiếc xe điện đầu tiên đến tay khách hàng quốc tế, VinFast sẽ ngừng sản xuất xe xăng - Ảnh: VinFast
Sáng 6-1, ngoài việc công bố giá bán, chính sách bán hàng dành cho VF8, VF9 (VF e35 và VF e36 trước đây) cũng như giới thiệu bộ 3 xe gầm cao hoàn toàn mới VF5, VF6, VF7, VinFast còn khiến dư luận tranh cãi khi tuyên bố dừng sản xuất xe xăng, tập trung cho xe điện từ cuối năm nay.
Từ phía khách hàng, đây là quyết định được đánh giá là nhanh chóng và bất ngờ. Họ sốt ruột trước số phận của Fadil, bộ đôi Lux và cũng tò mò về cách được đối xử khi những mẫu xe này rời dây chuyền.
Còn VinFast trấn an rằng đây là quyết định đã được lên lộ trình ngay từ đầu.
Vì sao VinFast từ bỏ xe xăng chỉ sau vài năm phát triển?
Trong thông báo phát đi sáng 6-1, ông Hoàng Chí Trung - tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam - khẳng định: "Ngay từ khi thành lập, tầm nhìn của VinFast đã được đặt ra là trở thành một hãng xe điện thông minh toàn cầu. Những dòng xe xăng của chúng tôi ra đời, được yêu mến và thực sự đã hoàn thành sứ mệnh làm quen với thị trường".
Tổng giám đốc Vinfast Trading Việt Nam cho rằng, xe xăng của VinFast đã hoàn thành sứ mệnh làm quen với thị trường - Ảnh: THỦY TIÊN
"Thực ra đây hoàn toàn không phải một quyết định bất ngờ, mà chúng tôi có lộ trình thực hiện rất cụ thể. Từ đây đến hết 2022, chúng tôi vẫn tiếp tục bán các mẫu xe xăng để phục vụ nhu cầu của thị trường", ông Trung cho hay.
Vì sao VinFast chọn thời điểm này để chuyển đổi?
Ông Trung nói: "Chúng tôi xác định, thời cơ để bứt phá, chuyển đổi từ sản xuất xe xăng sang xe điện đã chín muồi cả về môi trường chính sách tại các nước, nhận thức người tiêu dùng và sự sẵn sàng về công nghệ, cơ sở hạ tầng. VinFast cần tranh thủ đi nhanh để giành lợi thế cạnh tranh.
Về năng lực, chúng tôi có hệ sinh thái công nghệ đã phát triển, cũng như có hệ thống đối tác toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cho xe điện. Vì thế, thời điểm hiện tại, chúng tôi tự tin, có đủ thực lực để cạnh tranh với các hãng xe khác trên thị trường".
VF5 đang là mẫu xe điện nhỏ nhất của VinFast tại thị trường quốc tế - Ảnh: VinFast
Ông Hoàng Chí Trung cho rằng, thị phần xe điện sẽ tăng tốc rất nhanh và là xu thế không thể đảo ngược trong vài năm tới.
Ông nói: "Nhiều quốc gia đã có lộ trình cụ thể cấm xe xăng. Các hãng xe lớn cũng đã lên phương án chuyển đổi sang sản xuất xe điện, nhưng là các công ty lâu năm nên việc chuyển đổi của họ có thể sẽ mất nhiều thời gian. Còn chúng tôi bắt đầu từ số 0, không bị trói buộc từ các sản phẩm, tư duy cũ. Chúng tôi cũng đầu tư hệ thống nhà máy tương thích với xe điện ngay từ đầu để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định hơn.
Riêng về thời điểm, chúng tôi đã tính toán rất kỹ và nếu muộn hơn, chắc chắn Việt Nam sẽ mãi ở phía sau thế giới trên bản đồ công nghiệp - công nghệ cao toàn cầu".
VinFast sẽ bảo dưỡng, sửa chữa xe xăng như thế nào khi dừng bán?
Ông Trung cho biết: "Chắc chắn, mọi cam kết với khách hàng sẽ được VinFast thực hiện đầy đủ. Với từng chiếc xe bán ra, chúng tôi cam kết phục vụ đến hết vòng đời sản phẩm. Bất kỳ ai đã, đang và sẽ là khách hàng của VinFast hoàn toàn có thể yên tâm vì chúng tôi đã dự trù kỹ lượng linh kiện, phụ tùng, thiết bị, đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng cho tất cả các dòng xe xăng của VinFast đến hết vòng đời. Thậm chí, lượng linh kiện này còn được VinFast chuẩn bị nhiều gấp 1,5 lần so với thông lệ thị trường".
Xe xăng đã được VinFast bán ra vẫn đảm bảo linh kiện, phụ tùng, thiết bị, dịch vụ chăm sóc - Ảnh: BÔNG MAI
VinFast sẽ xử lý sao với những khách hàng đã đặt cọc xe xăng và muốn hủy cọc?
"Chúng tôi luôn tôn trọng quyết định của khách hàng, và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dùng. VinFast sẽ hoàn cọc cho khách hàng theo đúng chính sách hiện nay.
Trong trường hợp các khách hàng của VinFast muốn chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, VinFast cũng có chính sách hỗ trợ thông qua chương trình Đổi cũ lấy mới", ông Trung cho biết.
'Việc đổi tên khẳng định nhất quán chiến lược thuần điện của VinFast trong cuộc cách mạng xe điện' - theo bà Lê Thị Thu Thủy - tổng giám đốc VinFast toàn cầu, phát biểu tại CES 2022.