Xuân Hương chào hàng với khách vừa tấp xe vào mua sữa - Ảnh: CÔNG TRIỆU
7h30 sáng, TP.HCM trời nắng gắt. Trên đoạn đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), đoàn người tấp nập đổ về trung tâm TP.
Mặc khói xe hắt vào người, bên vỉa hè, cô sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Xuân Hương (quê An Giang) vẫy tay, cúi chào khách lia lịa.
Tranh thủ những buổi sáng không có tiết học, Hương xin vào làm thêm bán thời gian cho một nhãn hàng sữa. Ngoài ra, cô còn nhận bán hàng ở một tiệm quần áo khác tại TP.HCM vào những buổi tối để có thêm thu nhập.
Vì phải tự đến xưởng nhận sữa, rồi đến điểm bán, công việc của Hương luôn bắt đầu từ 6h sáng. Trước khi chưa có dịch COVID-19, cô được trả 24.000 đồng/giờ làm. Nhưng lần trở lại sau khoảng thời gian 5 tháng "được nghỉ bất đắc dĩ" vì TP giãn cách, lương được nhận giờ đây của Hương chỉ còn 18.000 đồng/giờ.
Không giấu được niềm vui khi giờ đây đã có thể quay trở lại làm việc, Hương vẫn canh cánh trong lòng một nỗi buồn. "Sau dịch, giá nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm công ty đưa cho cũng tăng, người mua ít hơn trước, thành ra đi làm cũng buồn", Hương kể.
Dù cũng tập tành buôn bán online trong thời gian nghỉ dịch, nhưng với Nguyễn Ngọc Thiện (ngụ Tân Phú, TP.HCM), 5 tháng thất nghiệp (từ đầu tháng 6 đến tháng 10-2021) vừa qua là khoảng thời gian chật vật đáng quên đi. "Nghỉ lâu quá không có lương, không có tiền tiêu nên nghe được đi làm trở lại mà mừng muốn khóc", Thiện chia sẻ.
Hiện nay, chàng trai tuổi 23 này đang làm cùng lúc hai công việc, sáng làm nhân viên bán cà phê, chiều làm nhân viên bán chè. Thiện ấp ủ, thời gian tới, khi nhận được lương từ hai công việc hiện tại (25.000 đồng/giờ) thì sẽ tự đứng ra mở một "sạp đồ ăn online" để làm chủ.
Việc làm thêm cho Thiện kinh nghiệm để pha chế cà phê, thức uống, từ đó ấp ủ dự định về sạp đồ ăn online do mình làm chủ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
"Mọi người cũng đã đi làm trở lại, nên bán đồ ăn vặt online tại nhà chắc sẽ ổn hơn", Thiện nói về tương lai.
Chuẩn bị 3.000 việc làm thêm thời vụ dịp Tết
Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết hiện chuẩn bị khoảng 3.000 việc làm thêm thời vụ dịp Tết Nguyên đán cho sinh viên. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian của các đơn vị tăng cao.
Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM) sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong dịp này. Công việc sẽ theo đặc thù mùa Tết như: thu ngân, nhân viên kho, nhân viên lên hàng, gói quà, chế biến thực phẩm tại siêu thị, nhân viên phát tặng mẫu thử sản phẩm, tư vấn bán hàng tại trung tâm thương mại và siêu thị.
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhân viên phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống, nhân viên bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa dịp Tết… cũng tăng cao.
Các đơn vị trả thu nhập theo giờ, trung bình từ 19.000 - 50.000 đồng/giờ hoặc 140.000 - 400.000 đồng/ngày tùy yêu cầu của công việc. Cũng có đơn vị trả cao hơn do thiếu lao động và khối lượng công việc tăng dịp cuối năm. Nếu làm trong các ngày Tết, thông thường lương sẽ tăng gấp đôi, gấp ba hoặc được tặng quà, lì xì.
Tận tình, chu đáo với từng vị khách là cách mà cô sinh viên năm 3 trường kinh tế này tiếp thị, bán sản phẩm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Mua hàng và thanh toán bằng hình thức online là cách mà nhiều bạn trẻ chọn hiện nay giúp hạn chế tiếp xúc, phòng chống dịch. Ảnh chụp một khách hàng nữ đang thanh toán không tiền mặt tại quầy cà phê của Thiện đang làm thêm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Vẫy tay chào. Cúi đầu chào cùng lời cảm ơn là cách mà Thiện làm hằng ngày để bán hàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
TTO - Thoạt nghe có vẻ khó khăn, nhưng người trẻ vẫn luôn muốn được 'mang tiền chứ không mang phiền cho mẹ' với những chia sẻ vô cùng cảm động.
Xem thêm: mth.20194024170102202-mal-id-coud-iv-cohk-noum-gnum-tet-aum-neit-meik-meht-mal-ert-nab/nv.ertiout