Ngày 8/1, Thường trực UBND Tp.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tại đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM phát biểu đánh giá: ”Nhìn lại một năm qua, kinh tế Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đã có những thời điểm chuỗi sản xuất cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy trong ngắn hạn”.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động; quy mô thị trường sụt giảm (chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 16,7% so với năm trước). Thị trường xuất khẩu chủ lực của Thành phố này bị thu hẹp.
Kết quả chung trong năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 14,34%, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước giảm 15,17%, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Tp.HCM qua cửa khẩu (không tính dầu thô) ước giảm 0,4% so với năm 2020.
Tuy kết quả thực hiện năm 2021 chưa đạt được như kỳ vọng nhưng Thành phố này đã cùng cả nước tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, ngành Công Thương Tp.HCM hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh và trong điều kiện bình thường mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
“Sau 3 tháng triển khai nới lỏng giãn cách xã hội, nhìn lại những con số, những chỉ tiêu đã bắt đầu tăng trưởng từ tháng 10 cho thấy những tín hiệu tích cực, khởi sắc về sự phục hồi kinh tế Thành phố trong những tháng cuối năm 2021 và tạo đà phát triển ổn định trong năm 2022”, ông Vũ nói.
Sau 4 tháng liên tục chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm (từ tháng 6 đến tháng 9/2021) thì đến nay, chỉ số này đã từng bước tăng trưởng trở lại (tháng 10 tăng 23,6%, tháng 11 tăng 13,3%, tháng 12 tăng 13,5% so với tháng trước).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 27%; tháng 11 tăng 10,2%; tháng 12 ước tăng 11,15%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12/2021 cũng tăng 9,01% so với tháng trước.
Để phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới; ngành Công Thương xác định tập trung 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Thứ nhất là đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngành Công Thương Tp.HCM tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; phối hợp các Hiệp hội ngành nghề, UBND các quận - huyện tổ chức ít nhất 1 hội nghị kết nối/quý và các hội nghị chuyên đề theo nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của Tp.HCM; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính với thời gian nhanh nhất, rút ngắn so với quy định sẽ được đẩy mạnh.
Thứ hai, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong tháng 12/2021, Sở Công Thương Tp.HCM đã chính thức đưa vào vận hành 100% thủ tục hành chính (114/114 thủ tục) lên dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận còn chưa cao, đòi hỏi phải có giải pháp truyền thông một cách sâu rộng.
Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông, các quận - huyện cùng tham gia phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương trong công tác tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, vừa đảm bảo an toàn, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, góp phần nâng cao chỉ số PCI của Tp.HCM.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ XI như: Đề án phát triển ngành logistics, Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Tp.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy hoạch các khu vực dự kiến thành lập Trung tâm logistics để tổ chức kêu gọi đầu tư nhằm phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất phía Nam. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, hoàn thành chuẩn bị đầu tư Trung tâm logistics Cát Lái và Trung tâm logistics Linh Trung; các trung tâm logistics nhóm II vào năm 2025 và nhóm III vào năm 2030.
Cuối cùng, ngành Công Thương sẽ tham mưu Tp.HCM phát triển các lĩnh vực mới, xem đây là động lực phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất thương mại.
Triển khai các mô hình phát triển dựa trên kinh tế số, chuyển đổi số nhằm thích ứng với dịch bệnh; tổ chức tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới về kinh tế số, chuyển đổi số; thí điểm triển khai mô hình vận hành, giải pháp tổ chức hoạt động theo hướng chuyển đổi số đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Tp.HCM.
“Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh với tinh thần, nỗ lực cao nhất, ngàng Công Thương Tp.HCM kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu tích cực, những cơ hội mới cho phục hồi kinh tế, đảm bảo 3 mục tiêu trụ cột đã xác định trong năm 2022”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định.