Tổng kết ngành công thương và triển khai nhiệm vụ năm 2022 - Ảnh: C.DŨNG
Đó là chia sẻ, khuyến nghị được ông Lê Minh Hoan, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương ngày 9-1.
Theo ông Hoan, để có ngành nông nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, rất cần hai bộ phối hợp để ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất vật tư nông nghiệp sinh học.
Đồng thời tận dụng hiệu quả các FTA, xây dựng đề án xuất khẩu các thị trường có tiềm năng, chuẩn hóa vùng nguyên liệu theo kỹ thuật từng thị trường; lập các liên minh xuất khẩu giữa doanh nghiệp và địa phương có vùng nguyên liệu.
Chỉ ra những bất cập trong xuất khẩu nông sản vừa qua, ông Hoan chia sẻ nỗi day dứt, khi các đại sứ nói đừng vội mừng khi vài chuyến hàng, vài sản phẩm tới thị trường châu Âu được truyền thông rộng rãi. Bởi thực tế, những chuyến hàng này vẫn mang tính chất tự phát, chủ yếu nằm ở gian hàng người gốc Á, chứ chưa được chuẩn hóa, chưa vào hệ thống phân phối lớn nước ngoài.
"Các doanh nghiệp đối tác, đại sứ ở châu Âu nói rằng, cần chuyên nghiệp hóa, có đề án hẳn hoi từ xúc tiến thị trường, văn hóa thị trường. Bởi thị trường 27 nước châu Âu không có sự đồng nhất về văn hóa tiêu dùng… Do đó, nếu tiếp tục thế này, dù năm nay nông nghiệp đạt gần 49 tỉ USD nhưng chưa nói lên điều gì về bền vững trong xuất khẩu, nếu không thành lập các liên minh xuất khẩu cho từng thị trường" - ông Hoan bày tỏ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị hai bộ cùng phối hợp xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước, bởi xuất khẩu được đẩy mạnh nhưng lại chưa được chú trọng thị trường 100 triệu dân. Theo ông Hoan, làm sao thị trường trong nước không bị thả nổi, mà phải chuẩn hóa, minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa, vừa mở rộng tổng cầu, vừa giảm rủi ro khi thị trường xuất khẩu bị ách tắc vì lý do bất khả kháng.
Công nghiệp tăng trưởng khá, xuất khẩu ghi dấu ngoạn mục
Thông tin về hoạt động của ngành công thương năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, tăng 4,82%, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, chỉ số tồn kho thấp.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp khó khăn hơn nhiều so với năm 2020 do dịch COVID-19 xâm nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một số địa phương không duy trì được tăng trưởng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự tăng trưởng ngoạn mục với tổng kim ngạch là 668,5 tỉ USD, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, thị trường xuất khẩu gia tăng. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỉ USD. Song điều đáng chú ý là xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI, ngành chủ yếu cạnh tranh về giá.
Nhận diện những khó khăn, thách thức của ngành năm 2022, ông Khánh cho biết sẽ bám sát nghị quyết liên quan đến phát triển công nghiệp, thương mại; rà soát sửa đổi các chính sách còn bất cập, cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác hiệu quả các FTA và thúc đẩy phát triển thương mại nội địa...
TTO - Những khó khăn của một năm dịch bệnh hoành hành vừa qua rõ ràng ai cũng thấy và có thể liệt kê đến dài vô tận. Nhưng kết quả của xuất khẩu lại vượt xa mục tiêu ban đầu, nhờ đâu?