Phạm Ngọc Minh Thy - Ảnh: Q.NG.
Hiện học năm cuối khoa kiến trúc nội thất, Minh Thy còn đang làm phó bí thư Đoàn trường, cũng là sinh viên hiếm hoi đảm nhận vai trò này trong lịch sử Đoàn trường. Dịp 9-1 năm nay, Minh Thy nhận cùng lúc 3 tin vui: giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2021 (lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch - xây dựng), "Sinh viên 5 tốt" TP.HCM và "Sao tháng giêng" của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Lấy việc học làm minh chứng
Minh Thy được kết nạp Đảng từ thời phổ thông, lúc học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hồi đó Thy học lớp chuyên toán, là bóng hồng hiếm hoi trong lớp toàn con trai và "mấy bạn hình như cũng quên mất Thy là con gái" như cô tự nhận.
Mê hoạt động phong trào nên không lạ gì khi Minh Thy trở thành phó bí thư Đoàn trường thời phổ thông, từng được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương cán bộ Đoàn tiêu biểu trúng tuyển đại học, cao đẳng.
Trở thành "dân Kiến", Thy cũng tiếp cận ngay với công tác Đoàn từ năm đầu đại học. Có nhiều nguyên do nhưng một trong những điều ấy chính là bức xúc vì nhận xét "được mấy đứa làm Đoàn mà học giỏi đâu".
"Không phải ai mê làm Đoàn là chỉ biết phong trào, không lo học và không thể học giỏi. Mình muốn chứng minh bằng chính việc học của bản thân. Nếu biết sắp xếp, dù có mê làm phong trào cỡ nào, bạn vẫn hoàn toàn học tốt được. Và khi ấy, tiếng nói của bạn mới đủ sức thuyết phục người khác" - Thy bộc bạch.
Được bầu và đảm nhận vai trò phó bí thư hơn một năm qua, cùng Đoàn trường thiết kế hoạt động, song cô gái ấy vẫn giữ kết quả học tập đáng nể: năm thứ tư xếp loại xuất sắc với điểm số 3,63/4, điểm rèn luyện tuyệt đối 100/100. Kết quả đó đủ thuyết phục hội đồng trao danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp thành cho Thy, cũng là sinh viên duy nhất của trường đạt danh hiệu năm nay.
Mấy năm rồi trường không có sinh viên đủ chuẩn "Sinh viên 5 tốt" cấp thành. Nếu tính từ lúc giải thưởng "Sao tháng giêng" của Hội Sinh viên VN xét tặng đến nay, Minh Thy mới là người thứ ba của cả trường đạt giải.
Anh NGUYỄN VĂN TUẤN (bí thư Đoàn Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)
Mê dự án cộng đồng
Vì mê Đoàn và thích các dự án hoạt động cộng đồng, nên khi chọn đại học, Thy không vào các trường chuyên về kinh tế hay kỹ thuật như lẽ thường dân chuyên toán vẫn làm. Cô gái ấy chọn học thiết kế nội thất, muốn làm "dân Kiến" để được sống với những tưởng tượng, sáng tạo và có thể làm dự án nào đó liên quan đến cộng đồng.
Dự án "Thiết kế khu vui chơi cho trẻ em khu vực Tây Nam Bộ tái sử dụng phát thải xây dựng" ra đời cũng vì lẽ đó. Thy giữ vai trò trưởng nhóm nghiên cứu gồm 5 cô gái: Phạm Ngọc Minh Thy, Lưu Ngọc Quỳnh, Đinh Thị Thảo Nguyên, Ngô Trần Xuân Hảo và Bùi Thị Trúc Phương.
Các bạn chia sẻ ý tưởng và được TS.KTS Trần Hữu Anh Tuấn - trưởng khoa kiến trúc nội thất - nhận lời hướng dẫn với đặt hàng: "Các bạn phải đi thực tế nếu muốn hoàn thành đề tài nghiên cứu".
Một tháng cho trải nghiệm thực tế, Thy cùng các bạn chọn tỉnh Sóc Trăng, đến nhiều trường học phỏng vấn học sinh và giáo viên, tìm chất liệu cho nghiên cứu của nhóm.
"Tôi thật sự xúc động trước các thông tin, số liệu các bạn thu thập sau thời gian trải nghiệm thực tế, chứng tỏ các bạn đã làm khoa học một cách nghiêm túc, cầu thị nên kết quả rất khả thi để ứng dụng thực tế. Trưởng nhóm Minh Thy kết nối, phân công làm việc giữa các thành viên rất tốt" - TS Anh Tuấn đánh giá.
Tận dụng vỏ xe cũ và khung sắt để thiết kế các dụng cụ trò chơi, song các bạn đã tính toán việc tận dụng ngay nhà văn hóa ấp vốn ít khi được sử dụng làm khu vui chơi cho trẻ. Ở đó, ngoài thiết bị vui chơi, sẽ có khu khám phá mà các bạn nhỏ có thể trồng cây, chơi các trò chơi theo cách của mình. Đất sét, vốn rất quen thuộc với nhiều tỉnh ở Tây Nam Bộ, trở thành loại vật liệu đặc trưng được các bạn chọn khi thiết kế phương án kiến trúc cho khu vui chơi tự khám phá, còn tùy khu vực sẽ chọn loại vật liệu đặc trưng theo vùng miền.
Những ngày TP.HCM căng mình chống dịch COVID-19 đợt thứ 4 vừa qua, người ta lại thấy cô gái ấy có mặt trong đội tình nguyện tham gia phòng chống dịch, góp sức cùng hàng ngàn tình nguyện viên khác để thành phố mau khỏe lại.
Minh Thy từng nghĩ nghiên cứu khoa học chắc phải làm điều gì đó lớn lao, cho đến khi gặp thầy hướng dẫn và cùng các bạn thực hiện đề tài, suy nghĩ đã khác.
"Dù ý tưởng mình đề xuất nhưng có lúc tưởng như phải từ bỏ, song chính tình cảm và mong muốn về một sân chơi của nhiều bạn nhỏ được gặp, mình và nhóm có thêm động lực, quyết tâm làm. Giải thưởng như sự ghi nhận, khiến mình tin hơn vào tính khả thi của đề tài" - Minh Thy bày tỏ.
Mong nghiên cứu thành sân chơi cho trẻ
Giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2021 giúp Minh Thy cùng các bạn trong nhóm tự tin hơn với dự án nghiên cứu đầu đời của mình. Tận dụng vật liệu sẵn có theo đặc thù của từng địa phương, nhóm tính toán nếu đầu tư số tiền chừng 25 - 30 triệu đồng là có thể cho ra đời một sân chơi tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa vốn còn nhiều thiếu thốn.
"Nếu có được nguồn hỗ trợ nào để biến kết quả nghiên cứu đã có thành sân chơi cho trẻ em thì quá tốt. Nhóm rất mong sẽ nhận được sự sẻ chia của những ai quan tâm để niềm vui này trọn vẹn. Trước mắt sẽ tìm nguồn để ít nhất thực hiện được một sân chơi ngay trong Mùa hè xanh sắp tới, để công sức cả nhóm được lan tỏa rộng hơn" - Thy chia sẻ.
TTO - Là một trong 14 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' năm 2021, bác sĩ Hà Hiếu Trung (sinh năm 1991) một trong những bác sĩ trẻ tuổi nhất nhưng đã có nhiều đóng góp trong ngành y.
Xem thêm: mth.20365449180102202-cuhp-teyuht-ion-gneit-ed-ioig-coh/nv.ertiout