Các ngân hàng lớn nhất Phố Wall, bang New York đều đạt lợi nhuận cao trong năm 2021 - Ảnh: FT
Trong năm 2021, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã lập kỷ lục mới. Có thể thấy Ngân hàng JPMorgan Chase ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật nhất với lợi nhuận 47,8 tỉ USD, đồng nghĩa với mỗi ngày "bỏ túi" 131 triệu USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng phá vỡ kỷ lục lợi nhuận, lần lượt đạt 20,2 tỉ USD và 13,7 tỉ USD, theo Thời báo Financial Times.
Thu nhập năm 2021 được cải thiện bởi việc giải phóng các khoản dự trữ mà các ngân hàng đã trích lập. Nhờ đó, họ đã bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn từ các khoản cho vay mà họ lo ngại có thể trở nên xấu đi do đại dịch.
Các nhà phân tích của Goldman ước tính 7 ngân hàng lớn, bao gồm JPMorgan và Bank of America, đã "giải phóng" được 36 tỉ USD từ khoản dự phòng nợ xấu 50 tỉ USD.
Những ngân hàng này cũng được hưởng lợi từ các khoản phí ngân hàng "bom tấn", với các vụ mua bán và sáp nhập công ty trên toàn cầu diễn ra vào năm 2021.
Ông Matt O’Connor, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngân hàng có vốn hóa lớn tại ngân hàng Deutsche Bank, cho biết: "Có thể đến năm 2024 mới tìm lại được lợi nhuận cao hơn năm 2021".
Tuy nhiên, tiềm năng việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào năm 2022 đang làm dấy lên sự lạc quan cho các ngân hàng. Họ hy vọng sẽ tiếp tục có sự khởi sắc trong năm 2022.
Tương tự, ông Jason Goldberg, nhà phân tích tại Ngân hàng Barclays, đã viết trong một lưu ý cho khách hàng trong tuần này: "Chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trên thị trường vào năm 2022".
Theo nhà phân tích Richard Ramsde tại Ngân hàng Goldman Sachs, sau một năm có lợi nhuận lớn, các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu 2021 có phải là năm các ngân hàng lớn có "thu nhập đỉnh cao" hay không?
Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank, cổ phiếu các ngân hàng Mỹ tăng khoảng 35% trong năm 2021, vượt trội so với chỉ số S&P 500 và đã phục hồi mạnh trong vài ngày đầu năm 2022.
Các nhà đầu tư đang đặt cược lãi suất tăng sẽ làm hồi sinh thu nhập mà các ngân hàng kiếm được từ các khoản cho vay. Dữ liệu gần đây của FED cho thấy nhu cầu cho vay chậm chạp vào năm 2021 trong bối cảnh chính phủ đưa ra số tiền kích thích kinh tế kỷ lục, cũng đã có dấu hiệu cải thiện.
Tại JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ tính theo tài sản, tiền gửi đã lên 2,4 tỉ USD (tăng 50%) từ cuối năm 2019 đến tháng 9-2021.
TTO - Các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19, trong đó hoạt động xuất khẩu là động lực chính.