Hàng ngàn lượt người qua lại mỗi ngày trên cầu Câu Nhi hiện đã hư hỏng rất nghiêm trọng - Ảnh: QUỐC NAM
Tại xã Hải Phong, cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Lâu là điểm nối quan trọng trên tuyến đường từ quốc lộ 1 về các xã Hải Sơn, Hải Phong.
Hơn 35 năm sử dụng, cây cầu đã "hết tuổi thọ" nhưng hiện tại vẫn phải gánh hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua cầu mỗi ngày, trong đó có nhiều phương tiện trọng tải lớn.
Cầu... chờ sập
Theo quan sát, dầm cầu Câu Nhi hiện đã bị hoen gỉ nghiêm trọng, mặt cầu rạn nứt. Đặc biệt lan can cầu bằng sắt đã bị gỉ sét, rơi rụng, nhiều đoạn đứt gãy tạo ra các khoảng trống lớn dài vài mét.
Ông Nguyễn Tấn Lộc - người dân địa phương - nói cầu Câu Nhi đã xuống cấp nhiều năm nay. Nhiều tai nạn đã xảy ra vì những thanh lan can gãy nên cây cầu trở thành nỗi ám ảnh với người dân địa phương. Mỗi khi có phương tiện có trọng tải lớn chạy qua là cây cầu lại rung lên bần bật.
"Sợ lắm, nhất là ban đêm khi cầu hẹp, trời mưa. Hằng ngày, nhiều học sinh đi học về qua đây đều như nín thở. Chỉ cần tránh một chiếc xe là có nguy cơ lọt xuống sông", ông Lộc thở dài lo lắng.
Cách đó vài cây số, cầu Trâm Lý bắc qua sông Nhùng nối giữa 2 xã Hải Quy và Hải Phú cũng là một "cụ" cầu đang khiến người dân ớn lạnh khi đi qua. Được xây dựng từ năm 1978, cầu Trâm Lý đã hết hạn sử dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, người dân địa phương không có nhiều sự lựa chọn, hoặc là "nín thở" qua cầu, hoặc là phải đi đường vòng xa hơn 10 cây số.
Ông Võ Quốc Thịnh - trưởng thôn Trâm Lý - nói nhiều năm qua người dân địa phương đã phản ảnh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của cầu này. Sau đó, chính quyền địa phương đã có vài lần tu sửa.
Tuy nhiên, vì đã quá lâu năm lại nằm trên tuyến đường huyết mạch nên đến nay cầu Trâm Lý ngày càng xuống cấp trầm trọng. Dầm cầu bằng sắt đã gỉ sét đứt gãy hai đầu, bề mặt cầu bị nứt rộng, thành cầu làm bằng bêtông bị vỡ, gãy, nhiều đoạn không còn thanh chắn.
Chưa có giải pháp vì thiếu vốn
Theo chính quyền huyện Hải Lăng, toàn huyện có gần 150 cây cầu dân sinh, trong đó có hàng chục cầu đang trong tình trạng xuống cấp, tạm bợ. Nguyên nhân là do nhiều cây cầu đã có tuổi thọ lên đến 30 - 40 năm, lưu lượng phương tiện nhiều, tải trọng vượt thiết kế của cầu.
Ông Nguyễn Khánh Tặng - phó chủ tịch UBND xã Hải Phong - nói sau khi cầu Câu Nhi xuống cấp, cơ quan quản lý đường bộ đã lắp biển cảnh báo, hạn chế tải trọng qua cầu nhưng do đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển nông sản, hàng hóa nên nhiều phương tiện có trọng tải lớn vẫn lưu thông qua lại.
"Hằng năm địa phương đều ưu tiên một phần kinh phí để duy tu cầu. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ sửa chữa những hư hỏng nhẹ. Phải xây cầu mới thì mới giúp người dân an toàn khi qua cầu", ông Tặng nói.
Ông Lê Đức Thịnh - chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - xác nhận đúng là trên địa bàn có nhiều cây cầu dân sinh xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng nguồn lực địa phương có hạn nên nhiều cầu vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời.
"Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương ngăn chặn xe quá khổ, quá tải, cũng như cảnh báo để người dân cẩn trọng khi qua cầu, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra", ông Thịnh nói.
TTO - Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng chưa có cơ sở gì để xác định nguyên nhân lún trụ gây sập cây cầu sắp hoàn thành. Tuy nhiên sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị khi có kết luận vụ việc.
Xem thêm: mth.55780338001102202-uac-uc-gnuhn-ut-oab-hnac-iol/nv.ertiout