Các động thái diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp trôi về mốc 500 ngày đầu tiên. Nó cũng diễn ra sau khi Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine, một động thái vấp phải nhiều phản đối.
Tổng thống Ukraine thăm đảo Rắn
Trong lúc các quan chức quân đội Nga đi kiểm tra và động viên binh sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có động thái tương tự.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã đến đảo Rắn, hòn đảo tiền tiêu của Ukraine trên Biển Đen và từng là biểu tượng cho tinh thần phản kháng của Ukraine.
"Hôm nay chúng ta đang ở đảo Rắn, nơi sẽ không bao giờ bị chiếm đóng bởi những kẻ chiếm đóng, giống như toàn bộ Ukraine. Bởi vì chúng ta là đất nước của những người dũng cảm", ông Zelensky nhấn mạnh trong một video clip được công bố ngày 8-7.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn từ đây, từ nơi chiến thắng này, đến mỗi người lính của chúng ta trong 500 ngày qua", tổng thống Ukraine tiếp tục bày tỏ trong đoạn video không ghi ngày tháng.
Ông Zelensky đến đảo Rắn bằng thuyền và đặt hoa tại một đài tưởng niệm. Nga kiểm soát đảo Rắn không lâu sau khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt". Số binh sĩ Ukraine trên đảo bị bắt, sau đó được trả tự do để đổi lấy các tù binh Nga.
Ukraine chiếm lại đảo Rắn vào tháng 6 năm ngoái và kiểm soát nó từ đó cho đến nay.
"Mặc dù hòn đảo này chỉ là một vùng đất nhỏ nằm giữa Biển Đen, đảo Rắn là minh chứng vĩ đại cho thấy chúng ta sẽ giành lại từng tấc lãnh thổ của mình", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh trong video công bố ngày 8-7.
Ông Shoigu lần đầu xuất hiện sau vụ nổi loạn của Wagner
Trong video được đăng tải trên kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Nga ngày 8-7, Bộ trưởng Sergei Shoigu được nhìn thấy đi cùng một nhóm quan chức ở Quân khu miền nam Nga. Ông được đưa tới thị sát một dãy xe tăng chiến đấu chủ lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến khu vực huấn luyện các binh sĩ tác chiến đô thị. Matxcơva không nói rõ video được quay thời điểm nào.
Tuy nhiên theo Hãng tin Reuters, đây là video đầu tiên ông Shoigu xuất hiện trở lại sau khi xảy ra vụ nổi loạn chóng vánh của Wagner cuối tháng 6 rồi.
Hôm 3-7, ông Shoigu lần đầu lên tiếng về vụ việc. Trong đó ông nhấn mạnh cuộc binh biến sẽ không ảnh hưởng đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu thị sát binh sĩ huấn luyện - Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga
Video được công bố không lâu sau khi Mỹ xác nhận sẽ gửi bom chùm cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden biện minh động thái này là cần thiết vì Ukraine đang cạn kiệt đạn được.
Mặc dù vậy, bản chất phá hủy trên diện rộng và có thể sát thương nhiều người cùng lúc của bom chùm đã khiến Mỹ vấp phải nhiều nghi ngờ, chỉ trích và phản đối.
Nhiều người lo ngại rằng hậu quả của bom chùm sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, ngay cả khi cuộc chiến kết thúc. Số đạn chưa nổ còn sót lại trên chiến trường sẽ tiếp tục là mối đe dọa với thường dân, ngay cả khi mục đích ban đầu của chúng không phải như vậy.
Trong tuyên bố ngày 7-7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov gọi việc Washington gửi bom chùm cho Kiev là "dấu hiệu của sự tuyệt vọng".
Ông lập luận việc gửi loại vũ khí này cho thấy Mỹ và Ukraine cùng các nước đi theo đã thất bại trong việc tấn công các khu vực "của Nga". Đại sứ Mỹ cũng tuyên bố các hành động "điên cuồng mới" của Mỹ đang đẩy nhân loại đến bờ vực "một cuộc chiến tranh thế giới mới".
Mỹ đã quyết định gửi bom chùm tới Ukraine, để giúp quân đội nước này đẩy lùi các lực lượng Nga cố thủ dọc chiến tuyến miền đông.