Mới đây, Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam (Công ty Sâm Việt Nam) tưng bừng tổ chức lễ khai trương trụ sở tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tới dự có ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cùng nhiều lãnh đạo các sở, chính quyền địa phương khác và đại diện các hội doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Công ty Sâm Việt Nam công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh trước sự có mặt của nhiều lãnh đạo, khách mời
Tại đây, đại diện Công ty Sâm Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm do DN này sản xuất có thành phần sâm Ngọc Linh. Công ty này còn công bố đang sở hữu 10 ha cây sâm Ngọc Linh gốc tại xã Mường Hoong (huyện Đắk Glei) và xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) của tỉnh Kon Tum.
Thông tin trên khiến lãnh đạo tỉnh Kon Tum và các sở, ngành phải ngỡ ngàng. Ngay sau đó, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu các sở và 2 huyện trên cùng phối hợp kiểm tra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, cho biết sâm Ngọc Linh là loài cây đặc thù nên được quản lý rất chặt chẽ để bảo tồn nguồn giống và thương hiệu. "Nghe thông tin có DN trồng 8 ha sâm Ngọc Linh tại địa phương khiến chúng tôi rất ngỡ ngàng vì mình quản lý trực tiếp nhưng nào có thấy thông tin gì. Khi kiểm tra thì không hề có diện tích nào như công bố" - ông Dũng nói.
Ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, cũng khẳng định Công ty Sâm Việt Nam không có diện tích nào trồng sâm ở địa phương, những đơn vị liên kết với người dân để trồng sâm cũng không có công ty này.
Huyện Tu Mơ Rông là thủ phủ của sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định địa phương chỉ có 5 DN trồng sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty CP Vingin, Công ty TNHH Thái Hòa và 2 đơn vị đang khảo sát, lập dự án. Trong số này không hề có Công ty Sâm Việt Nam.
Sản phẩm có thành phần sâm Ngọc Linh do Công ty Sâm Việt Nam trưng bày tại lễ khai trương
Sau khi Công ty Sâm Việt Nam công bố, UBND huyện Tu Mơ Rông đã vào cuộc xác minh và không hề thấy diện tích 8 ha sâm Ngọc Linh này ở đâu. Chỉ có 2 người xác nhận có bán và đang trồng thuê cho Công ty Sâm Việt Nam với diện tích và số lượng rất ít. Người thứ nhất là ông A Ngao (thôn Mo Za, xã Ngọc Lây) cho hay năm 2020 có bán cho công ty số lượng 500 cây sâm Ngọc Linh với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số cây này công ty đang gửi ông A Ngao trồng tại tiểu khu 226, xã Ngọc Lây. Năm 2021, số cây trên cho thu hoạch gần 1.000 hạt sâm và ông A Ngao tiếp tục gieo số hạt này tại vườn. Người thứ hai là ông A Ghôi (làng Lộc Bông, xã Ngọc Lây) có bán cho Công ty Sâm Việt Nam 50 cây sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng. Số cây này ông A Ghôi đang trồng tại tiểu khu 225, xã Ngọc Lây.
Ngoài thông tin trên, tháng 4-2021, Công ty Sâm Việt Nam đã có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho 500.000 cây sâm củ của công ty. Trong văn bản, công ty này cam kết những thông tin khai báo là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm về các thông tin. Tuy nhiên, Sở KH-CN tỉnh Kon Tum không đồng ý.
Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kon Tum, cho biết chỉ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho tổ chức, cá nhân nào có sản phẩm đủ điều kiện theo quy định. "Hiện nay, tỉnh chưa cấp chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân nào cả" - ông Kim nói.
Để làm rõ mục đích việc đưa thông tin đang sở hữu vườn 10 ha sâm Ngọc Linh, phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với Nguyễn Tuấn Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nghe nội dung làm việc thì ông này nói đang bận rồi tắt máy. Phóng viên nhắn tin cũng không thấy phản hồi.
Ngày 10-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết vẫn đang chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra việc công bố đang sở hữu vườn sâm Ngọc Linh trồng với diện tích 10 ha tại huyện Tu Mơ Rông và huyện Đắk Glei. Sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra rõ việc DN có sở hữu vườn sâm hay không thì mới có căn cứ để xử lý. "Hiện địa phương đang tăng cường quản lý về sản phẩm, nhãn mác đối với sâm Ngọc Linh để ngăn chặn các hành vi làm giả, trục lợi làm ảnh hưởng tới thương hiệu sâm Ngọc Linh" - ông Tháp nói.
Quảng Nam ngăn ngừa nạn sâm Ngọc Linh giả
Trên thị trường hiện nay, mỗi kg sâm Ngọc Linh được trồng tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có giá từ 120 triệu đến 160 triệu đồng, tùy thuộc vào độ tuổi của cây sâm. Chính vì giá trị cao trong khi chưa có máy móc kiểm định chất lượng thật - giả nên hiện nay tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Để đối phó với vấn nạn sâm Ngọc Linh giả, giúp người tiêu dùng có một địa chỉ đáng tin cậy để mua sâm Ngọc Linh chính hiệu, từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam mở phiên chợ sâm vào ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng tại huyện Nam Trà My. Phiên chợ này duy trì đến thời điểm này với sự cam kết về chất lượng của chính quyền địa phương. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đang xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng cũng như đầu tư máy móc hiện đại để có thể kiểm định chính xác sâm thật, sâm giả trong thời gian tới, giúp người tiêu dùng bảo đảm mua được sản phẩm đúng chất lượng so với giá tiền.
Tr.Thường
Xem thêm: mth.54723541201102202-iol-curt-ed-oab-couq-hnad-noum/et-hnik/nv.moc.dln