Đây là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm. Mặc dù có thể phải đối diện với rủi ro về nợ công, lạm phát và trong bối cảnh đầy khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nhưng Quốc hội đã quyết định chấp nhận để có nguồn lực cho phục hồi kinh tế.
Nhìn vào quy mô gói hỗ trợ lần này với gần 350.000 tỷ đồng có thể thấy gói hỗ trợ tài khóa là trụ cột chiếm phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. Còn lại là gói hỗ trợ tiền tệ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay và các hỗ trợ khác.
Giảm thuế giá trị gia tăng giúp kích cầu trở lại
Động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là cỗ xe tam mã xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm qua, sức mua cũng đang rất thấp. Điều quan trọng nhất lúc này là phải tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Cầu tiêu dùng quyết định đến tăng trưởng GDP bởi cầu tiêu dùng chiếm tới 65%.
Vì vậy, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này, Nhà nước sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%, ngoại trừ một số nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được nêu rõ trong nghị quyết. Trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng giảm sút do dịch, chính sách này đã nhận được nhiều hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài trong 2 năm, với quy mô gần 350.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Một giỏ quà Tết có giá trị 1 triệu đồng, nếu như trước đây người tiêu dùng sẽ phải đóng thuế VAT là 10%, tương đương với 100 nghìn đồng, nay chỉ phải đóng thuế 8% là 80 nghìn đồng. Nghĩa là hàng hóa sẽ rẻ hơn một chút, với cùng một số tiền thì người tiêu dùng có thể mua được nhiều hơn.
Đối với các doanh nghiệp, dù việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ dành cho khách hàng nhưng doanh nghiệp vẫn được lợi vì giúp tăng doanh số bán hàng. Nhiều nhà hàng này kỳ vọng, khách hàng sẽ chi tiêu nhiều hơn sau khi được giảm thuế VAT.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng được cho là sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch. Bởi một tour du lịch bao gồm nhiều dịch vụ từ vận tải, ăn uống đến lưu trú, thăm quan đều được giảm loại thuế này.
Đại diện một đơn vị lữ hành này cho biết, việc giảm thuế VAT sẽ có tác động tích cực ngay tới du lịch nội địa, khách quốc tế sẽ cần thêm thời gian, do vậy sắp tới đơn vị sẽ tiếp cận thêm tệp khách hàng mới này.
Còn theo các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng, giúp phục hồi cho nền kinh tế.
Giảm lãi suất cho vay "tiếp sức" cho doanh nghiệp
Một điểm mới nổi bật nữa là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng quy mô ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại. Dòng vốn giá rẻ này được nhiều doanh nghiệp có thể ví như "dòng máu" tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.
Giảm lãi vay là trực tiếp giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn gói hỗ trợ sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện được giảm. Chính sách phải sớm đến được tay doanh nghiệp mới giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ thời điểm khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.
"Tôi hy vọng các ngân hàng giải ngân sớm, bỏ bớt các thủ tục rườm rà để chính sách này đến với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi. Sẽ không cần có ngoại giao hay quan hệ mà chúng tôi vẫn tiếp cận được với gói hỗ trợ này của Chính phủ", ông Lê Thành Công - Giám đốc công ty TNHH Rapido Việt Nam bày tỏ.
Giảm lãi suất cho vay "tiếp sức" cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Song song với cấp bù lãi suất, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới. Trong định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn để giảm lãi vay, bởi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cũng chính là giúp ngân hàng bảo đảm an toàn hoạt động.
"Sang năm 2022, chúng tôi cho rằng chủ trương hạ lãi suất vẫn tiếp tục được đặt ra, nhưng trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải bằng chính nguồn lực của mình, giảm lãi suất từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn hiện nay", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận được dòng vốn khôi phục sản xuất kinh doanh.
Hiện vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất là vay như thế nào và được vay ra sao, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua thực tế là áp lực nợ xấu đang gia tăng trong 2 năm trở lại đây. Vậy làm cách nào để không lặp lại bài học đắt giá như gói kích cầu năm 2008 - 2009? Và trách nhiệm cho Bộ, ngành và địa phương quản lý quỹ được phân bổ hỗ trợ trong chi tiêu như thế nào?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia trao đổi trực tiếp của GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả - đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!