Học sinh tiểu học tại TP.HCM học trực tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Nguyễn Thảo Vy (quận 3, TP.HCM) chia sẻ hơn sáu tháng qua, con trai 7 tuổi của bà dường như đã hình thành những thói quen mới khi thời gian sử dụng thiết bị điện tử tăng lên đáng kể. Mỗi ngày, con bà dùng điện thoại 2-3 tiếng cho việc học online cộng với 4 tiếng xem tivi. Tổng thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử của con trong ngày khoảng 7-8 tiếng.
Hiệu ứng "hậu" COVID-19
"Hồi giãn cách tôi nghĩ thôi kệ, cũng tội con ở nhà không có gì làm. Một tháng nay, tôi siết lại thời gian dùng điện thoại, tivi của con mới thấy con quá khó để giảm nhu cầu hiện tại. Có bữa nhà cúp điện, không thể mở tivi, con bứt rứt khó chịu cả ngày" - bà Vy nói.
Không những vậy, thời gian dài học tập và sinh hoạt trong không gian ảo cũng khiến nhiều bạn nhỏ gặp các vấn đề về tâm lý. Điển hình tại phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1
(TP.HCM), số bệnh nhân đến khám tại khoa tâm thể tăng gần ba lần so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19. Đặc biệt, bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh tăng gấp hai lần, đột biến trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022.
Tại những nước phát triển, các chuyên gia gọi đó là những hiệu ứng "hậu" COVID-19. Nghiên cứu của TS Jason Nagata thuộc ĐH San Francisco cho thấy từ giữa tháng 5-2020, thời gian trên các thiết bị số của trẻ em thuộc nhiều nhóm tuổi ở Mỹ đã tăng lên gấp đôi. Thời lượng các em sử dụng máy tính, máy tính bảng đã tăng từ 3,6 giờ/ngày lên 7,7 giờ/ngày. Con số này bao gồm những hoạt động xem video, chơi game... và chưa tính chuyện học trực tuyến.
Tương tự, TS Catherine Birken từ ĐH Toronto cùng nhóm nghiên cứu thực hiện một khảo sát trong giai đoạn từ tháng 5-2020 đến tháng 4-2021 trong số các trẻ em ở Canada cũng cho thấy thời gian dùng thiết bị số của trẻ nhỏ từ 2 tuổi đã tăng vượt đáng kể so với khuyến cáo 1-2 giờ/ngày của các cơ quan y tế nước này.
TS Catherine Birken cho rằng nguy cơ hiện hữu là sau khi trường học ở Canada cho đón học sinh trở lại, thời gian sử dụng trên màn hình máy tính vẫn không thay đổi. Điều này sẽ kéo theo một số khả năng mắc các vấn đề về hành vi, suy giảm chú ý, tăng động, trầm cảm, lo lắng và kém tập trung...
Thời gian "vàng" cho bước chuyển
Đó là bước dịch chuyển từ cuộc sống "đắm chìm" trong các thiết bị số trở về cuộc sống "bình thường mới", nơi các mối tương tác xã hội dần trở lại như trước đây. Đặc biệt, những học sinh nhỏ tuổi bậc mầm non hay tiểu học dự kiến sẽ quay trở lại trường trong tháng 2-2022. Giai đoạn chuyển tiếp giữa hai trạng thái online và offline rơi đúng vào dịp Tết này được các chuyên gia đánh giá là cực kỳ quan trọng.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, mùa Tết sắp tới là cơ hội để phụ huynh hỗ trợ các em giảm dần sự phụ thuộc vào các thiết bị số - vốn là một phần trong cuộc sống của các em nhiều tháng qua. Điều này đòi hỏi phụ huynh cần sáng tạo thêm các hoạt động hấp dẫn các em, bởi vì theo quy luật, những hoạt động nào hấp dẫn hơn sẽ thay thế các trải nghiệm cũ một cách tự nhiên.
Chẳng hạn, phụ huynh có thể hướng con đến những trò vui chơi ngoài trời, trồng cây, dọn dẹp nhà cửa, các dự án thu gom đồ tái chế, quan tâm đến môi trường xanh, các hoạt động sáng tạo như làm đồ chơi hay làm nhà giấy... Tùy vào sở thích, nhu cầu và độ tuổi của trẻ sẽ có hoạt động phù hợp nhưng nhìn chung phụ huynh nên dành thời gian nhiều hơn cho con cái trong dịp Tết này.
TS Đào Lê Hòa An lưu ý thay đổi một thói quen cần phải có thời gian để các em học sinh thích ứng và điều chỉnh. Một số em chắc hẳn sẽ gặp vấn đề về sự thích ứng khi "thoát" khỏi không gian số để bước vào môi trường học tập, sinh hoạt trực tiếp. Vì vậy, phụ huynh trong giai đoạn đầu không nên đặt áp lực về điểm số, kiến thức mà nên quan sát, lắng nghe và thấu hiểu để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của trẻ, từ đó các chuyên gia tâm lý có thể can thiệp chuyên sâu khi cần thiết.
Ông Tiêu Minh Sơn, chuyên gia giáo dục tại tổ chức KDC Education, cho rằng khác biệt lớn nhất giữa môi trường online và offline nằm ở việc giao tiếp giữa người với người. Ngồi máy tính học từ xa lâu ngày, nhiều em có thể sẽ rụt rè hoặc gặp khó khăn hơn trong việc kết nối. Vì vậy, ngay trong những chuyến đi thăm hỏi người thân Tết này, phụ huynh có thể tập cho con cách giao tiếp và truyền sự tự tin nhằm giúp trẻ dần xây dựng lại khả năng tương tác với cộng đồng.
Chuẩn bị tâm thế cho học sinh đầu cấp
TS Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong thời gian này điều quan trọng là phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế vững vàng cho con trước khi chuyển từ môi trường số sang cuộc sống thường nhật, đặc biệt với những học sinh nhỏ tuổi sẽ trở lại trường sau Tết.
Tâm thế ở đây không phải là chuyện học thật nhiều để chắc kiến thức, khiến cho một số phụ huynh có tâm lý cho con học thật nhiều trong các kỳ nghỉ. Thay vào đó, thứ cần chuẩn bị là những kỹ năng học đường, từ những điều đơn giản như cách ngồi học, cách đi đứng đến những cách cư xử với thầy cô, bạn bè ra sao. Trong môi trường trực tiếp, những kỹ năng học đường này sẽ khác với học trực tuyến mà học sinh đã trải nghiệm suốt thời gian qua.
Làm quen trước với bạn qua mạng
Các thiết bị số cũng có thể đóng vai trò như cầu nối để trẻ tăng cường sự kết nối với bạn bè, đặc biệt chuẩn bị cho giai đoạn học trực tiếp sắp tới. Ông Tiêu Minh Sơn chia sẻ bản thân mình cũng đã giao một "bài tập" cho học trò là hãy làm quen với các bạn học của mình ngay trong Tết. Việc này giúp học sinh, đặc biệt là những bạn đầu cấp, sẽ gắn kết với nhau hơn trước khi vào trường học trực tiếp.
TTO - “Tôi đang đi làm thì cô giáo của con trai gọi điện hỏi bé có bị làm sao không mà trong giờ học, cô hỏi nhiều lần không thấy bé trả lời. Tôi vội vàng nói chị giúp việc vào phòng bé kiểm tra. Thì ra con đang mải chơi game”.
Xem thêm: mth.83672642261102202-os-ib-teiht-ahn-noc-puig-tet-yagn/nv.ertiout