vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một 'ngành công nghiệp bế tắc'

2022-01-18 10:45

Thần Nông (Shennong), còn được biết tới với cái tên Fujian Sunner Development, là một tập đoàn có trụ sở bên trong một thung lũng trên dãy núi Vũ Di, thuộc huyện Quảng Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đây là một công ty thực phẩm tích hợp chăn nuôi, giết mổ và chế biến gà thịt. Nó cũng là đối tác của các tập đoàn lớn như McDonald, KFC cũng như là nhà cung cấp lớn của một loạt các đại gia về bán lẻ và dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc.

Để tới được cơ sở chăn nuôi này, bạn sẽ phải ngồi khá lâu trên một chiếc xe buýt nhỏ, vượt qua những đoạn gập ghềnh của con đường núi quanh co. Sau đó, cần thực hiện một quá trình khử trùng rườm rà và cẩn thận, trước khi có thể bước chân vào khu vực bên trong.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 1.

Cuối cùng, một nhà khoa học có tên là Xiao Fan sẽ xuất hiện để chào đón bạn. Mười năm trước, cả Trung Quốc chỉ có ba người có kinh nghiệm và hiểu biết các công nghệ về chăn nuôi thuần thục như Xiao Fan.

Dưới sự giới thiệu của nhà khoa học này, bạn sẽ được nghe kể về giống gà đầu tiên do Thần Nông nuôi dưỡng. Đó là một giống gà lông trắng, với các đặc tính nổi bật như cho nhiều thịt hơn, ăn ít hơn và lớn nhanh hơn.

Gà lông trắng là một loại gà lai, tổ tiên của nó đến từ Ấn Độ, du nhập vào Vương quốc Anh vào thế kỷ 19. Sau gần 100 năm lai tạo từ giống gà này, các tập đoàn chăn nuôi của Mỹ đã tìm ra cách lai tạo được những con gà thịt với các đặc tính đầy sức cạnh tranh để chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường thế giới.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 2.

Trong bản đồ gen của gà lông trắng, gà bố mẹ được gọi là gà thương phẩm. Gen của gà thương phẩm là A B C D, nghĩa là kiểu gen của gà bố là AB (nhiều thịt mau lớn), kiểu gen của gà mẹ là CD (đẻ nhiều trứng). Nếu muốn lai tạo ra những con gà có gen AB và CD, thì gà ông bà, hay "tổ tiên" phải có gen A, B, C, D tương ứng.

Và đây chính là mấu chốt của vấn đề. Các lứa gà tổ tiên ưu tú của loài gà thịt này từ lâu đã nằm trong tay các đại gia chăn nuôi tại Mỹ, và họ đã biến cả ngành công nghiệp chăn nuôi gà thịt trở thành một cạm bẫy đối với bất kỳ công ty hay thậm chí quốc gia nào.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 3.
Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 4.

"Đó không phải là bằng sáng chế, mà là bí mật thương mại hàng đầu", nhà khoa học trưởng của tập đoàn Thần Nông cho biết. "Nó không thể bị đánh cắp chỉ bằng cách ai đó cử người tới và ăn cắp nó."

Hai cái tên nổi bật trong số các đại gia Mỹ chính là Aviagen và Cobb-Vantress, hiện đang độc quyền hơn 90% thị trường nguồn gà thịt giống trên toàn thế giới. Nếu các công ty gà Trung Quốc muốn nuôi gà lông trắng, họ sẽ phải chi rất nhiều tiền để có được nguồn gà giống từ các tập đoàn nước ngoài. Và để rõ hơn thì các số liệu cho thấy chi phí chỉ tính riêng cho việc thu mua gà giống của các công ty chăn nuôi gà của Trung Quốc đã chiếm tới 33% tổng chi phí kinh doanh.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 5.

Vấn đề nguy hiểm hơn là chu kỳ sinh sản của những con gà giống được cung cấp chỉ là 64 ngày, và những con gà mái già sẽ bị thải loại nếu chúng không thể đẻ trứng. Trước tình trạng độc quyền, các công ty chăn nuôi Trung Quốc không có khả năng thương lượng, và chỉ một động thái chống đối nhỏ nhất cũng sẽ khiến nguồn cung cấp gà giống bị cắt đứt bất cứ lúc nào. Một khi nguồn cung bị cắt đứt, năng lực sản xuất và chất lượng của gà thịt sẽ không đạt được tiêu chuẩn đáp ứng thị trường, khiến họ không thể mang tới nguồn cung ổn định cho đối tác là những công ty cung cấp dịch vụ ăn uống. Đó chính là bờ vực của sự phá sản.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiếp thị thịt gà lớn thứ hai thế giới, sản xuất khoảng 5 tỷ con gà mỗi năm. Và đây đã trở thành thị trường màu mỡ của các đại gia chăn nuôi của Mỹ. Có thể nói, mỗi lần một người Trung Quốc ăn một cái đùi gà, một phần trong số tiền họ phải trả sẽ rơi vào túi người Mỹ.

Và bởi vì chu kỳ sinh trưởng của gà thịt chỉ là 42 ngày, ngành chăn nuôi gà thịt gần như mang lại siêu lợi nhuận. Bằng cách kiểm soát giá gà giống, các công ty Mỹ cũng kiểm soát luôn năng lực sản xuất và cả thị trường thịt gà của Trung Quốc. Ngoài ra, phương thức vận chuyển duy nhất của những con gà giống là đường hàng không, và điều này đã khiến thị trường gà Trung Quốc chao đảo trong thời kỳ đại dịch. Năm ngoái, giá gà giống đã tăng 295%, khiến công ty chăn nuôi đầu ngành của nước này cũng phải cắn răng chịu mất tới hơn 95% lợi nhuận ròng.

"Giá cả hoàn toàn do người Mỹ quyết định. Chi phí gà giống tăng hàng năm, chúng tôi không thể lập kế hoạch cho bất cứ điều gì. Ví dụ, chúng tôi muốn sản xuất ra 500 triệu con gà, nhưng họ chỉ giao cho bạn số gà giống có thể đáp ứng công suất 300 triệu. Hơn nữa, gà ngoại cũng tiềm ẩn những căn bệnh không rõ nguồn gốc", Xiao Fan cho biết.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 6.

Ngoài độc quyền về nguồn giống, các đại gia chăn nuôi Âu Mỹ hiện còn độc quyền về công nghệ.

Cần biết rằng, hiệu quả sản xuất của gà lông trắng về cơ bản phụ thuộc vào chất lượng gen của đàn gà tổ tiên. Trong điều kiện ấp, nguồn ánh sáng và các yếu tố chăm sóc tương tự, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn của gà thịt được ấp từ gà con sẽ tăng lên hàng năm, đồng thời những dòng gà cũ sẽ bị loại bỏ. Một hàng rào kỹ thuật về gà giống vô hình đã ra đời, được điều khiển và phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua bán và sáp nhập của các công ty khổng lồ trong ngành chăn nuôi.

Hiện tại, hai cái tên mới đã góp mặt vào sân chơi này bao gồm tập đoàn EW của Đức và Tyson Foods của Mỹ. Các gã khổng lồ này đã tập trung vốn vào nghiên cứu và phát triển, thông qua các liên minh và mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Điều này đã làm phong phú thêm nguồn gen, từ đó hình thành nên một “rạch trời" không thể vượt qua.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 7.

Có thể nói, trong ngành công nghiệp chăn nuôi này, kẻ đến trước sẽ ăn thịt, còn những người đến sau thậm chí không có nước xuýt để mà húp. Nghề chăn nuôi và phát triển gà giống của Trung Quốc đã muộn hơn gần 60 năm so với châu Âu và Mỹ. Và chính khoảng cách 60 năm này đã mang đến một lịch sử phát triển quanh co và có thể nói là "tủi nhục" cho các công ty chăn nuôi ở nước này.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 8.

Từ những năm 1980, các doanh nghiệp chăn được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc đã bắt đầu độc lập phát triển kế hoạch chăn nuôi các giống gà có nguồn gen ưu tú. Nhưng ngay sau đó, chướng ngại về nguồn vốn và công nghệ đã không cho phép họ bắt kịp bước chân của các tập đoàn nước ngoài. Những giống gà Trung Quốc tự phát triển trong nước nhanh chóng bị loại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gà thịt. Sau năm 2004, hàng loạt công ty đã nối nhau phá sản, các chương trình chăn nuôi nội địa bị tuyên bố thất bại. Các công ty chăn nuôi Trung Quốc lại buộc phải quay trở lại con đường cũ là "nộp thuế gà" cho các đại gia Âu Mỹ.

Nhưng một bước ngoặt đến vào năm 2008. Đó là năm diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh. Sự kiện thế thao này được cho là đã khơi dậy niềm tin và lòng tự hào của người dân Trung Quốc, với một loạt chính sách được ban hành sau đó bao gồm cả việc hỗ trợ chăn nuôi gà trong nước. Tuy nhiên, nhiều công ty dù rất muốn thử nhưng họ lại không dám làm, vì đơn giản chỉ riêng thời gian để đào tạo một kỹ thuật viên có trình độ sẽ mất từ 3 đến 5 năm.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 9.

Thần Nông, công ty được thành lập hơn 20 năm trước, cũng rơi vào vòng xoáy hỗn loạn này. Đối mặt với sự phát triển vượt bậc của công nghệ chăn nuôi Âu Mỹ, cũng như áp lực về vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân này bằng một cách cố chấp đã cố gắng đứng lên, quyết tâm tự tạo ra nguồn gà giống của riêng mình. Tuy nhiên, những hành động lúc đó chỉ có thể được mô tả bằng từ: “lén lút”.

Từ năm 2011, công ty này đã thành lập một "bộ phận bí mật" dưới vỏ bọc bộ phận phát triển kinh doanh chăn nuôi. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhân viên công ty vẫn không biết chính xác bộ phận này làm công việc gì.

"Tôi chỉ nhớ mơ hồ về một bộ phận nào đó, một bộ phận có chút hơi hướng chiến lược”, một giám đốc điều hành chia sẻ.

Năm năm sau, vào một đêm trời đen như mực, có một chiếc xe tải với ánh đèn pha leo lắt chậm rãi vượt qua con đường núi quanh co. Nó cuối cùng dừng lại trước một vài ngôi nhà nhỏ kín đáo ẩn giữa thung lũng. Ít ai biết rằng những gì cất giấu trên xe là dòng gà giống mới nhất do Thần Nông bí mật nhân giống.

Nhưng giấy không gói được lửa, tin tức lan nhanh như cháy rừng. Hai năm sau, tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc đã đăng tải câu chuyện về việc công ty này độc lập phát triển gà giống của riêng mình. Bản báo cáo về nó cũng nhanh chóng xuất hiện trên mặt bàn của các công ty chăn nuôi Mỹ.

Một ngày nọ, một nhóm chuyên gia Mỹ đã “đột kích” cơ sở của Thần Nông, đưa ra một lời đe dọa thẳng thừng: "Hãy ngừng việc đó ngay lập tức, nếu không nguồn cung gà giống sẽ bị cắt!"

Nếu đồng ý, việc dừng các hoạt động nghiên cứu đồng nghĩa với việc những thành tựu mà Thần Nông đạt được trong hơn 30 năm qua rất có thể sẽ trở nên vô ích. Chủ tịch Phó Quang Minh khi đó đã nài nỉ, hy vọng rằng người Mỹ sẽ cho công ty thời gian nửa tháng để xem xét.

Kết quả là ông được yêu cầu đưa ra câu trả lời ngay tại chỗ, trong vòng "30 phút".

Ba mươi phút thực sự là quá ngắn. Quá ngắn để đánh giá phương pháp làm việc của công ty, cũng như để quyết định số phận của cả ngành chăn nuôi độc lập của Trung Quốc.

Phó Quang Minh đã phải gọi rất nhiều cuộc điện thoại, chỉ để nhận được hai câu trả lời từ phó chủ tịch tập đoàn và nhà khoa học trưởng phụ trách chăn nuôi. Hai câu hỏi của ông là: Thứ nhất, liệu gà thịt được sản xuất bằng giống gà của Thần Nông có đạt tiêu chuẩn quốc tế hay không? Thứ hai, sau 10 hoặc 20 năm, giống gà này có thể bị đào thải hay không?

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 10.

Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ các cộng sự, ông đốt một điếu thuốc, và thở ra một câu:

"Nói với họ, hãy rời Thần Nông trong vòng 10 phút."

Câu nói trên, không biết ẩn chứa bao nhiêu quyết tâm, dũng khí và kiêu ngạo.

Sau cuộc đàm phán chóng vánh sau đó giữa Thần Nông và công ty Mỹ, nguồn cung gà giống của họ bị chặn trong nháy mắt. Lúc này, "bộ phận bí mật" nhanh chóng thành lập một công ty con riêng biệt, ra đời vào tháng 4/2019 với tên gọi Shengze Bio, tập trung vào chăn nuôi.

Trong ba năm tiếp theo, Thần Nông đã tăng dần tỷ lệ đẻ trứng của gà giống. Chúng ăn ít thức ăn hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, không thua các giống gà Âu Mỹ. Đặc biệt trong năm nay, Thần Nông đã cung ứng ra thị trường 600 triệu con gà, và không có con gà nào có nguồn gốc từ Châu Âu và Mỹ. Nói cách khác, người Trung Quốc cuối cùng cũng có thể ăn thịt gà của chính họ.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 11.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã công nhận lứa gà "Shengze 901 White Feather Broiler" của Thần Nông là lứa gà lông trắng mới đầu tiên được nuôi độc lập ở Trung Quốc. Chứng nhận này có nghĩa là công ty đã có được giấy phép kinh doanh gà giống và sau đó có thể bán gà giống cho các công ty chăn nuôi gà lông trắng cả trong và ngoài nước. Thế độc quyền và cạm bẫy của các đại gia chăn nuôi Âu Mỹ cuối cùng đã có thể phá bỏ một phần.

Trung Quốc đã có nguồn gà thịt của riêng mình, đây chỉ là một bước tiến nhỏ đối với ngành công nghiệp thực phẩm hiện đại. Quốc gia này trên thực tế vẫn chưa phát triển được một tập đoàn siêu thực phẩm khổng lồ như ở châu Âu và Mỹ, vì lĩnh vực này vẫn còn nhiều "giới hạn" và an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề quan trọng.

Nên biết rằng đối với một công ty thực phẩm hiện đại, theo đúng nghĩa, một chuỗi công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh luôn là yêu cầu cơ bản nhất. Từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, hậu cần và cuối cùng là bán buôn và bán lẻ, chỉ khi mỗi mắt xích là do chính tay bạn làm ra và quản lý, bạn mới có thể tự tin đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.

Nó cho thấy đây rõ ràng là một cuộc chơi phức tạp và dai dẳng. Dù đã vô cùng từng trải nhưng Phó Quang Minh, khi đối mặt với sự tấn công dữ dội của trào lưu số hóa, nền kinh tế thương mại điện tử và sự bùng nổ trong lĩnh vực bán lẻ, ông cũng không thể không hình thành ý nghĩ "rút lui".

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 12.

Trên thực tế, một vài năm trước, ông đã trao quyên lực lại cho con gái mình là Phó Phân Phương (Fu Fenfang). Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Phúc Kiến, cô gái sinh năm 1980 đã về đầu quân cho Thần Nông và độc lập phát triển mảng kinh doanh thực phẩm nấu chín.

Sau khi tiếp quản tập đoàn, bà đã đề ra một loạt chiến lược và mục tiêu phát triển mới. Nữ tướng này hy vọng đến năm 2025, số lượng gà thịt sẽ tăng từ 500 triệu con lên 1 tỷ con. Thần Nông khi đó cũng sẽ chuyển đổi từ một công ty chăn nuôi và chế biến gà thịt sang kinh doanh thực phẩm.

Tới thăm cơ sở Thần Nông hôm nay, bà Phó Phân Phương có thể sẽ dẫn bạn đến thăm chuồng gà, nơi được trang bị hệ thống chăn nuôi tự động, thông gió thông minh và các thiết bị kiểm soát nhiệt độ. Nó cho phép chỉ cần hai người là có thể quản lý hàng chục nghìn con gà. Bên cạnh đó là dây chuyền giết mổ hoàn toàn tự động, được nhập khẩu từ Đan Mạch, Toàn bộ dây chuyền lắp ráp cũng chỉ có hai công nhân, nhưng có thể xử lý 260.000 con gà mỗi ngày, với từng phần của cơ thể gà sẽ được tách ra một cách chính xác.

Nữ quản lý mới của tập đoàn đang rất tự tin về điều này: "Thần Nông có thể cung cấp những thứ mà thị trường cần. Ví dụ như bây giờ giới trẻ thích ăn lòng kho, chúng tôi có thể tách lòng gà ra. Càng chia nhỏ chủng loại sản phẩm, lợi nhuận càng cao..."

Không chỉ vậy, phân gà cũng có thể dùng để phát điện và cũng có thể chuyển hóa thành phân hữu cơ để trồng rau. Nhiệt năng trong quá trình giết mổ gà có thể được tái sử dụng để khử trùng huyết gà, ruột gà, lông vũ cũng có thể được tận dụng. Theo chiến lược "carbon kép", Thần Nông đang phát triển một nền kinh tế tái chế công nghệ và thân thiện với môi trường.

Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một ngành công nghiệp bế tắc - Ảnh 13.

Khi chiếc xe buýt nhỏ rời khỏi cơ sở chăn nuôi, đi ra huyện Quảng Châu gần đó, bạn có thể thấy các siêu thị giá rẻ, ký túc xá, trường tiểu học và các cửa hàng thực phẩm hữu cơ có dấu ấn của tập đoàn Thần Nông ở khắp mọi nơi. Thậm chí, người hướng dẫn viên đi cùng cũng có thể đã được học bổng của tập đoàn, sau khi tốt nghiệp đại học quay trở lại quê hương và gia nhập Thần Nông.

Nếu nói rằng thế hệ doanh nhân trước đây đã dành cả cuộc đời cực khổ để tạo ra một con gà, thì chính con gà này đã tạo nên nền kinh tế của một huyện. Tập đoàn này hiện mang lại 90% giá trị sản lượng nông nghiệp, 80% của giá trị sản lượng công nghiệp, 70% việc làm, 60% điện năng, 50% GDP và 40% doanh thu tài chính của huyện.

Tất nhiên, con đường cần phải đi vẫn còn rất xa.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khi muốn gia nhập thị trường hàng tiêu dùng đại chúng, nơi từ lâu đã đầy rẫy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bạn sẽ phải đối mặt với vô số rào cản. Nhưng khi khúc cua cùng bước ngoặt cho phép bạn vượt lên xuất hiện, hãy nhớ tới những gì vị tỷ phú tự thân Phó Quang Minh đã từng nói:

"Luôn có những người muốn đứng lên."

 

Theo Võ Trọng Công

Trí Thức Trẻ

Xem thêm: nhc.34531309081102202-cat-eb-peihgn-gnoc-hnagn-tom-ohc-ar-iol-mit-hnirt-hnah-ym-gnurt-tiht-ag-neihc-couc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc chiến gà thịt Trung-Mỹ: Hành trình tìm lối ra cho một 'ngành công nghiệp bế tắc'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools