Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu tặng bằng khen tuyên dương các đơn vị y tế tham gia tích cực công tác phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: LƯƠNG HỢP
Tại hội nghị, các chiến sĩ áo trắng không kể về mình, mà họ nói nhiều về những bệnh nhân, những người đã đến rồi đi ở các bệnh viện dã chiến, các phòng hồi sức tích cực… Có người đã được về nhà, có người không thể trở dậy nhưng họ đã thành nguồn động lực để các y bác sĩ vượt qua khó khăn, trở ngại, thiếu thốn, rụt rè ban đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19.
Ráng một chút để giảm 1 người tử vong
Bác sĩ Phan Bá Chung, trưởng khoa điều trị bệnh tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức số 01 thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức (đặt tại chung cư Bình Minh), kể: Bệnh viện có chưa đến 40 nhân viên nhưng vừa lập được 4 ngày thì số bệnh nhân đã gần 1.500 người. Trước tình hình đó, bác sĩ Chung và các đồng nghiệp phải bước qua 'bục an toàn' của chính bản thân mình vì lúc đó chỉ có mình mới cứu được bệnh nhân.
"Cái gì làm được là chúng tôi xoay xở để làm mà không chờ xin ý kiến, chỉ đạo. Chính các bệnh nhân đã thôi thúc chúng tôi làm được điều đó", bác sĩ Chung chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Phượng - Bệnh viện Lê Văn Thịnh - làm cả hội trường xúc động khi kể về một bệnh nhân sinh năm 1983 thường xuyên mở mặt nạ thở oxy dòng cao mặc cho các bác sĩ, điều dưỡng nhắc nhở. Một lần chị mở mặt nạ và không đủ oxy thở nên mất tri giác, các bác sĩ phải cấp cứu.
Tỉnh lại, chị kể rằng chị đã ly hôn và có 5 đứa con đang gửi bà ngoại khi vào bệnh viện. Chị muốn cai máy thở nhanh để về đi làm nuôi con. Nhưng không may, 5 đứa trẻ đã mồ côi mẹ vì chị ấy không qua khỏi.
"Có những bệnh nhân mất ngay trên tay mình, cảm giác mất mát, hụt hẫng như sờ thấy được, một người… rồi nhiều người… Chúng tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, ráng một chút để mong giảm một người tử vong, thêm một người về với gia đình", bác sĩ Phượng kể.
Các bác sĩ, điều dưỡng giao lưu tại buổi tuyên dương - Ảnh: LƯƠNG HỢP
Xem bệnh nhân là người thân
Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Linh của Trạm y tế phường Bình Chiểu là một trong những người tự nguyện tham gia chống dịch từ giai đoạn đầu đợt dịch COVID-19 thứ 4. Giai đoạn cao điểm, chị Linh được giao quản lý "từ A đến Z" một khu cách ly 500 chỗ của phường Bình Chiểu, có cả trẻ em lẫn người già.
"Có quá nhiều chuyện phát sinh ngoài chuyên môn, ngoài sách vở đã học và tôi phải tự quyết định lấy mọi thứ. Nếu người thân của mình bị bệnh, mình đối xử làm sao thì tôi đối xử với bệnh nhân như vậy. Chính các bệnh nhân đã giúp tôi vượt qua ranh giới của bản thân mình", điều dưỡng Linh tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, xúc động gọi các y bác sĩ tuyến đầu là những anh hùng, những chiến binh vĩ đại và là những ân nhân trong lòng người dân.
"Từ tháng 6 đến nay, trên mặt trận chống dịch, tôi thấy các y bác sĩ đầy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, cái gì làm được là bàn nhau để làm, không chờ văn bản chỉ đạo, quyết định sự sống còn của người dân không có gì băn khoăn", ông Hiếu chia sẻ.
Chính vì vậy mà số ca tử vong trên địa bàn TP Thủ Đức chỉ chiếm 0,6% toàn TP.HCM trong khi dân số chiếm 12%.
Ông Hiếu cho biết sắp tới, lãnh đạo TP Thủ Đức sẽ tiếp tục đồng hành và quan tâm đến các ngành y tế. Khi 3 bệnh viện và trung tâm y tế được giao về cho TP Thủ Đức, TP sẽ quan tâm đầu tư về tổ chức và cơ sở vật chất để ngành y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Hội nghị đã tuyên dương 7 tập thể và 188 cá nhân trong ngành y tế TP Thủ Đức tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cũng phát động cuộc thi viết về kỷ niệm tuyến đầu của các y bác sĩ và lực lượng tham gia phòng chống dịch. Những kỷ niệm vui, hạnh phúc vỡ òa khi bệnh nhân qua khỏi nguy hiểm, nhưng cũng có những kỷ niệm không trọn vẹn… sẽ được giữ lại để nhớ thời khắc có một không hai này.
TTO - TP.HCM tri ân sâu sắc các lực lượng hỗ trợ TP chống dịch. Việc tri ân bằng nhiều hình thức như gửi thư khen, bằng khen, đề xuất khen thưởng...