Theo ông Nga, người dân đa số đã tiêm đủ 2 - 3 mũi vắc xin, nhưng về quê vẫn phải xét nghiệm và cách ly thì quá vô lý. “Các hướng dẫn đã rõ ràng, chủ tịch các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm và quán triệt với địa phương cấp dưới, không để tình trạng phường, xã bên dưới “cửa quyền” tự đưa ra quy định cực đoan như kiểu khóa cửa hộ dân cách ly”, ông Nga nói.
|
Bản tin Covid-19 ngày 18.1: Cả nước 16.838 ca | TP.HCM thêm 35 ca nhiễm Omicron |
TS Nguyễn Huy Nga cho rằng vấn đề không phải là cấm cản người dân không được đi lại hay yêu cầu xét nghiệm trong 72 giờ trước khi về quê, vì các quy định này không mang lại hiệu quả. Người dân cần tự bảo vệ cho bản thân, tuân thủ tuyệt đối 5K, chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tiêm nhắc lại mũi 3 cho tất cả các trường hợp trong độ tuổi.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Chính phủ đã chuyển từ chủ trương “zero Covid” sang “thích ứng an toàn”, đồng nghĩa với chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì “ngăn sông cấm chợ”. Với tinh thần chung này, các địa phương nên tạo điều kiện cho người lao động về quê đón tết an toàn, thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu. Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về cách ly và XN chỉ với người từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở... Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải XN vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả XN âm tính.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, một số địa phương hệ thống y tế cơ sở yếu nên có tâm lý “cố thủ” để bảo vệ người dân trong địa bàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch từ bên ngoài. Điều này khác với việc những địa phương đã tiêm đủ vắc xin, hoặc chấp nhận thích ứng linh hoạt vẫn mở cửa chào đón người dân về quê ăn tết.
“Để đảm bảo an toàn khi đi lại dịp tết, vắc xin và 5K vẫn là chiến lược xuyên suốt. Trong trường hợp không may bị nhiễm thì người dân có thể điều trị tại nhà. Nhiều nơi đã áp dụng việc này”, BS Cấp nói.
Nên thay đổi đánh giá cấp độ dịch
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cần sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, do VN có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, tỷ lệ số mắc nặng trên số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều. Chuyên gia này cho rằng việc phân loại cấp độ dịch vẫn nên dựa vào 3 tiêu chí của Nghị quyết 128, gồm tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin và đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần thay đổi các chỉ tiêu, như tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian có thể chuyển đổi thành số ca mắc mới theo tỷ lệ mới, thêm tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy, tỷ lệ ca tử vong trong tuần. Độ bao phủ vắc xin cũng cần theo đối tượng, tiêm đủ mũi theo quy định mới...
“Cần tránh đánh giá cấp độ dịch mức cao quá hoặc rộng quá, gây ảnh hưởng tới các hoạt động giao thương, kinh tế xã hội không chỉ cho địa phương mình mà cả việc đi lại, kinh doanh của người dân”, ông Phu nói.
Để đảm bảo nguy cơ không bùng phát dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, theo PGS-TS Trần Đắc Phu: “Ý thức người dân vẫn là quan trọng nhất, không nên chủ quan, lơ là vì nghĩ đã tiêm đủ vắc xin. Về ăn tết không có nghĩa là tụ tập đông người, ăn uống linh đình. Việc không thực hiện tốt 5K sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những người trong gia đình dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay người chưa được tiêm đủ liều vắc xin”.