Cận Tết Nhâm Dần 2022, người dân thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật từ sớm đến khuya thu hoạch lá dong tung ra thị trường. Đây cũng là vụ thu hoạch cao điểm nhất trong năm.
Kiếm hàng chục triệu mỗi dịp Tết
Theo ghi nhận của PV, những ngày này, tại thôn Tràng Cát đâu đâu cũng thấy hoạt động thu hoạch lá dong. Nhiều gia đình còn huy động toàn bộ nhân lực từ lao động chính, người già đến trẻ nhỏ để kịp thu hoạch phục vụ người dân cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài dịp Tết Nguyên đán.
Các nhà vườn tại đây cho hay, khoảng mùng 10 – 15 tháng Chạp (âm lịch) là thời điểm họ bắt đầu cắt lá, phân loại và chờ buôn lái đến thu mua. Trung bình mỗi ngày, một người có thể cắt được từ 4.000 - 5.000 tàu lá.
Ông Nguyễn Đình Chiến (76 tuổi, Tràng Cát, Kim An) cho biết việc thu hoạch lá dong vẫn diễn ra thủ công nhưng công việc không quá vất vả.
“Để giữ lá dong luôn tươi, sau khi cắt về sẽ phải rửa sạch rồi phân loại theo kích thước, độ to, độ xanh non, sau đó xếp thành từng bó với số lượng 50 lá/ bó và dùng vải bạt phủ lên trên để tránh ánh nắng mặt trời.
Lá dong có nhiều loại tuỳ kích cỡ to nhỏ. Giá từng loại dao động từ 20.000 – 150.000 đồng/bó. Nhà tôi trồng hơn 1.000m2 lá dong, thu nhập vào khoảng 50 triệu đồng một vụ như đợt này”, ông Chiến nói.
Người dân tại đây chia sẻ, năm nay lá dong được mùa, lá đẹp và giá bán nhỉnh hơn so với năm ngoái. Hiện mức giá dao động từ 800 – 1.000 đồng/lá, cuối tháng Chạp có thể tăng lên 1.500 đồng – 1.700 đồng/lá. Toàn thôn có khoảng 300 hộ đang trồng lá dong với diện tích hơn 20ha.
Sản phẩm được ưa chuộn
“Lá dong thôn Tràng Cát có bầu lá tròn và dai, mặt dưới lá có màu xanh non, chính vì vậy bánh chưng sẽ có màu xanh tự nhiên vừa đẹp mắt lại có vị thơm nên rất được ưa chuộng. Năm nào tôi cũng sang tận đây để tự tay chọn những tàu lá to đẹp nhất”, anh Nguyễn Văn Cường (Thanh Trì, Hà Nội) nói.
Là người trồng lá dong lâu năm ở thôn Tràng Cát, ông Trịnh Văn Thủy (59 tuổi) cho biết ngoài gói bánh chưng, lá dong còn được các nhà hàng đặt mua để gói bánh dày, làm giò… Chính vì vậy, một năm mỗi vườn lá dong có thể thu hoạch hơn ba vụ nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán.
“Sau mỗi vụ thu hoạch, lá dong giống như cây tre sẽ mọc và phát triển thành từng khóm và không phải trồng lại. Nhưng để cây luôn tươi tốt, cho ra loại lá vừa to vừa đẹp thì người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc để cho nhiều mầm, lá xanh tốt, rộng bản. Công việc này cứ cách 2 tháng một lần, đều đặn” - ông Thủy cho hay.
Cũng theo ông Thủy, với diện tích hơn 3.500m2, năm nay vườn nhà ông thu hoạch được khoảng 150.000 lá, hầu hết chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, không phải đi bán lẻ. Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, ông còn xuất khẩu lá dong sang Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... để phục vụ kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.
“Dịp Giáng sinh vừa rồi, tôi cũng chuyển đi vài nghìn lá phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở nước ngoài. Còn ngày thường, mỗi ngày gia đình tôi xuất khoảng 2.000 – 3.000 lá dong cho thương lái đi khắp nơi”, ông Thủy kể.
Theo thương lái, lá dong Tràng Cát giúp bánh có màu xanh tự nhiên, mùi thơm đặc trưng nên luôn thu hút người dân các tỉnh tìm về tận vườn thu mua.
“Năm nay, một số khách buôn quen của gia đình tôi do phải khai báo, thực hiện cách ly y tế khi ra vào địa phương nên họ ngại di chuyển và chọn nhập lá dong tại những khu vực lân cận. Tuy nhiên không đáng kể, việc tiêu thụ lá dong vẫn tốt, thương lái đến thu mua nhiều, một số hộ cũng mang ra chợ bán lẻ”, chị Trịnh Thu Uyên (38 tuổi, Tràng Cát, Kim An) cho biết.
Xem thêm: odl.667699-tet-uv-hcaoh-uht-tab-tat-ion-ah-o-gnod-al-noht/et-hnik/nv.gnodoal