Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Bắc Giang về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ông Tuấn, hai bị can khác cũng bị khởi tố cùng tội danh, gồm: Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Phan Anh) và Phan Thị Khánh Vân (chị ruột của Phan Huy Văn).
Bước đầu, công an xác định ông Lâm Văn Tuấn đã có hành vi thông đồng, cấu kết với bị can Phan Huy Văn, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á) và những người liên quan trong việc tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, với tổng giá trị hơn 148 tỉ đồng.
Đặc biệt, hai bị can Phan Huy Văn và Phan Thị Khánh Vân còn thỏa thuận, nhận trên 44 tỉ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển. Số tiền này, Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền cho bị can Lâm Văn Tuấn.
Việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Tuấn đã “kéo dài” danh sách lãnh đạo CDC các địa phương bị vướng lao lý trong vụ án chấn động dư luận nói trên.
Đáng chú ý, cũng giống với lãnh đạo một số CDC, trước khi bị áp dụng các biện pháp tố tụng, ông Tuấn từng khẳng định mình hoàn toàn trong sạch.
Theo đó, khi báo chí phản ánh về dấu hiệu bất thường trong một vài gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Tuấn nói: “Tôi không nhận một đồng nào từ Việt Á hay Phan Anh. Còn quá trình đấu thầu thì chúng tôi thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn”.
Hai bị can Phan Huy Văn và Phan Thị Khánh Vân
Trao đổi với báo chí hồi cuối tháng 12-2021, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, qua rà soát trong gần hai năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều không ký hợp đồng mua máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế với Công ty Việt Á.
Theo lý giải của ông Hiệu, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, thời điểm Bắc Giang là “tâm dịch”, địa phương này nhận được sự hỗ trợ của cả nước để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã chung sức, đồng lòng hỗ trợ Bắc Giang máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã chủ động được nguồn sinh phẩm và máy móc phục vụ xét nghiệm.
Cùng với đó, trước khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, ngành Y tế Bắc Giang đều tham khảo giá công khai tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và thực hiện đúng các quy định về đầu tư, mua sắm công. Các thiết bị, sinh phẩm đều mua với giá phù hợp, thấp hơn mức niêm yết.
Thế nhưng theo tìm hiểu, Bắc Giang không mua kit xét nghiệm trực tiếp từ Công ty Việt Á mà thông qua bên thứ ba là Công ty Phan Anh.
Tháng 11-2021, ông Lâm Văn Tuấn ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sinh phẩm, vật tư lấy mẫu, tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo quyết định này, Công ty Phan Anh là đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói. Trong đó có 20.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất .
Ngoài ra, tháng 9-2020, CDC Bắc Giang lựa chọn Công ty Phan Anh cung cấp trọn gói gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 (lần 4 năm 2020). Hàng hóa là 60 bộ kít xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR do Công ty Việt Á sản xuất.
Chi “hoa hồng” tới 800 tỉ đồng Liên quan đến vụ này, C03 đã khởi tố hàng loạt bị can về các tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài lãnh đạo và nhân viên Công ty Việt Á, nhiều bị can bị khởi tố là giám đốc CDC các tỉnh, lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH&CN. Theo C03, sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, Công ty Việt Á dưới sự chỉ đạo của Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh sử dụng. Tiếp đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá...để quyết toán theo giá mức do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Thực tế, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Tính đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, để tăng doanh thu và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ khống, Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi % “hoa hồng” hợp đồng cho lãnh đạo các bệnh viện, CDC với số tiền rất lớn. Lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt cho biết bị can này đã “bắt tay” với các đối tác để nâng khống giá kit xét nghiệm khoảng 45%, qua đó thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đặc biệt, số tiền mà Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỉ đồng. |