Người dân TP.HCM ra phố đón không khí Tết (chiều 22-1) - Ảnh: T.T.D.
Cuối cùng thì con người cũng đã tìm cho mình lối thoát ra khỏi đại dịch. Hy vọng đã nhen nhóm dù ký ức buồn sẽ mãi mãi không thể nào quên.
Có rất nhiều chuyện buồn trong mùa dịch. Chẳng ai quên được sự lựa chọn bất đắc dĩ là "ai ở đâu, ở yên đó" trên toàn cầu vì đó là cách để con người bảo toàn tính mạng. Nhiều gia đình đã phải sống xa nhau vì đại dịch, nhiều đôi tình nhân phải yêu xa. Và có những lần gặp hẹn mãi không thành vì có người đã về với thiên thu.
Sự sụp đổ của hàng trăm ngàn công ty lớn nhỏ, suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu. Nỗi buồn hằn sâu trên gương mặt rám nắng của người nông dân. Đôi mắt thẫn thờ của người không có việc làm, mất thu nhập. Những đôi tay nắm chặt lấy nhau như thể đang tự tìm điểm tựa của người chủ nhà hàng trước tấm biển hiệu vừa bị tháo dỡ... Năm cũ đã trôi qua như thế với chúng ta.
Trong cuộc chuyện trò ngắn nơi quầy check-in ở sân bay, một người mẹ trẻ nắm tay đứa con nhỏ cho biết họ quyết định trở về quê sau nhiều năm xa nhà. Mất mát xảy ra xung quanh khiến họ khát khao tình cảm gia đình hơn bao giờ hết.
Cũng như bao người khác, trở lại quê nhà với tôi không đơn giản là ăn Tết mà là trân trọng niềm hạnh phúc được tự do đi lại, được bận rộn chuẩn bị đón giao thừa bên gia đình như một phúc phần.
Một người bạn của tôi nhắn tin nói sẽ ở lại TP.HCM. Ông bà ở quê đồng tình, không nhất thiết phải bên nhau cùng nhau đón giao thừa. Đại dịch đã kéo ba thế hệ trong gia đình lại gần nhau theo cách khác. Sự thấu hiểu, cảm thông và sự săn sóc không còn dừng lại ở hình thức, bằng những lời hứa hẹn hay thuần về vật chất.
Trân quý bình an hôm nay, còn được chăm sóc người thương, dù gần hay xa nhau, mỗi người đều gần nhau hơn trong yêu thương và lắng nghe nhau.
Những ngày cuối năm này, chúng ta chọn sống giản dị, chọn vui với những điều bé nhỏ, chọn buông bỏ những kế hoạch hoành tráng... chắc chắn sẽ có được mùa xuân trong lòng. Không cần phải mua sắm ồ ạt, chẳng cần trang trí rình rang, bày biện linh đình mới là Tết. Bởi điều quý nhất là mình khỏe, được kề bên người thân yêu, nếu đủ đầy hơn thì chia sẻ với xóm giềng, với những ai khó khăn hơn.
Một năm quá khó khăn đã qua. Cùng đón năm con Hổ bình tĩnh hơn, tôi chọn rèn luyện cho mình tính kiên cường bằng cách sống tử tế với chính mình, với mọi người. Đơn giản là trao cho ai đó một nụ cười, giúp mở một cánh cửa đang khép, đỡ một đôi quang gánh nặng trĩu vai, hay một cái ôm cho trẻ thơ, lắng nghe mà không phán xét hoặc động viên ai đó. Phép mầu có thể được tạo nên bởi một người bình thường biết trân trọng hơi thở khỏe mạnh, biết trân quý hiện tại.
"Còn chồi nảy cây". Nỗi lo nào cũng sẽ qua. Tiễn năm cũ, gác lại những lo âu, mất mát để dọn lòng mình sẵn sàng đón năm mới. Công ăn việc làm rồi sẽ thu xếp lại, kinh tế sẽ phục hồi, mọi sự sẽ hồi sinh. Chỉ còn ít ngày nữa để tống cựu nghinh tân, "dọn lòng" để lấy đà cho năm mới khởi sắc và hanh thông.
TTO - Chỉ còn mười ngày nữa là tới Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022, người dân ở TP.HCM tất bật trang trí các con hẻm với mong muốn có một cái Tết vui tươi, an lành.
Xem thêm: mth.15573732222102202-tet-nod-gnol-nod/nv.ertiout