Tạo điều kiện tăng vốn cho nhóm Big 4
Dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm 2020 - 2021 và vẫn còn đang diễn biến phức tạp, mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp sản xuất giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... Đến năm 2022 sẽ tác động đến hoạt động của ngân hàng, do có độ trễ nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có nguy cơ trở thành nợ xấu khi tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng ở mức 7,31%.
Là một loại hình doanh nghiệp đặc thù đồng hành với nền kinh tế trong đại dịch, hệ thống ngân hàng cũng hứng chịu những va đập và phải gồng gánh các mối lo, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo và ngân hàng cũng có những giải pháp, nhưng vẫn còn đó các thách thức nan giải.
Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 vào khoảng 14%, ngân hàng cần có chiến lược kế hoạch ra sao? Trả lời báo chí, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho biết, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết của các tổ chức tín dụng, để đáp ứng các chỉ số an toàn và phục vụ tín dụng nền kinh tế.
“Áp lực tăng vốn khi chúng tôi tiếp tục thực hiện Basell II và Basel III, đặc biệt trong giai đoạn tới đây, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đi vào thực hiện, thì nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế sẽ tăng cao, trong khi đó, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang xuống thấp, đặc biệt là vốn ngân hàng thương mại Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm, có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, đề nghị Quốc hội luật hóa và kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động ngân hàng điện tử, các quy định về bảo mật lưu trữ, khai thác dữ liệu của khách hàng và ngân hàng. Đây là điều kiện quan trọng, để chúng ta có thể thực hiện tốt nhất chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng”, Chủ tịch BIDV đề xuất.
Ông Phạm Trí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhận định, với định hướng lạm phát như hiện nay trên phạm vi toàn cầu, giá các mặt hàng cơ bản đang leo thang trong bối cảnh kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với hệ số xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP, nên áp lực lạm phát nhập khẩu là khá cao. Trong bối cảnh đó, để duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng đã là một áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng.
Kiểm soát dòng tín dụng
Từ những khó khăn thách thức của nền kinh tế nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm nay có nguy cơ tác động của vấn đề lạm phát, mà mục tiêu cao nhất của chúng ta là giữ ổn định vĩ mô, ổn định tài chính. “Vì thế trong điều hành tín dụng, NHNN đặt ra mục tiêu 14%, nhưng cũng phải nói trước rằng, con số có thể cao hơn hoặc thấp hơn, chứ không cố định là 15%. Bởi vì đây chỉ là con số đặt ra để định hướng điều hành, còn sử dụng mục tiêu như thế nào, hướng dòng vốn vào lĩnh vực nào như lĩnh vực ưu tiên hay lĩnh vực khó khăn do tác động của dịch, thì phần đó sẽ được điều hành cụ thể thông qua tăng trưởng hạn mức phân cho các ngân hàng thương mại”.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh thêm, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện quan tâm, quán xuyến nhiều hơn theo chương trình mục tiêu quốc gia và đặc biệt là các gói tín dụng chính sách của Nhà nước vừa có tính chất an sinh xã hội, vừa có tính chất để giải quyết các lĩnh vực cần được ưu tiên.
Với bất động sản, chứng khoán, trái phiếu của những doanh nghiệp đang có biểu hiện chưa lành mạnh hiện nay, thì không những không tăng thêm vốn, mà còn phải kiểm soát chặt chẽ, thậm chí thanh tra, giám sát lại một số điều khoản tín dụng liên quan đến các khoản trái phiếu của một số doanh nghiệp phát hành chưa đảm bảo độ an toàn.
Chia sẻ về các hoạt động tín dụng ở góc độ cụ thể hơn, bà Hà Thị Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tín dụng tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên, mà cả năm lĩnh vực đều đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng tăng trưởng chung của năm trước, đặc biệt với các lĩnh vực như xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao,... Những lĩnh vực này đều đạt được mức tăng trưởng rất cao trên hai con số.
“Năm lĩnh vực ưu tiên chủ đạo đó là là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Đây đều là những trụ cột của nền kinh tế và đều là những động lực tăng trưởng mạnh mẽ, do vậy, định hướng điều hành trong năm 2022 của NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng của toàn hệ thống chảy vào năm lĩnh vực ưu tiên này hơn”, bà Hà Thu Giang nói./.
Xem thêm: lmth.62790000042210202--nov-tas-maig-neit-uu-cuv-hnil-oav-gnud-nit-gnod-nan/nv.semitaer