Tết Nhâm Dần đang đến rất gần. Mùng 1 tết năm nay cũng là ngày giỗ đầu của chị H. Chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi đau mất người thân ngày tết, lại đúng vào mùa dịch COVID-19, khoảng thời gian ấy cả khu Mả Lạng đang bị phong tỏa. Đó là cái tết chẳng bao giờ quên với gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hương và người dân nơi đây. Con gái bà mất vì ung thư di căn giai đoạn cuối. Sau năm năm kiên cường chiến đấu cùng bệnh tật, cô ấy đã mệt.
“Cô gái uốn tóc mất mùng 1 tết”
“Sài Gòn mùng 2 tết nhằm ngày 13-2-2021. Con hẻm quận 1 bị cách ly từ giáp tết đến giờ. Sáng nay, lúc 8 giờ có một đám tang từ trong hẻm đi ra. Người thân trong hẻm đứng sau hàng rào kẽm gai, lặng lẽ đưa tiễn. Đau lòng lắm. Không nỗi đau nào là của riêng ai…”.
Tang lễ vào mùng 2 tết ở khu Mả Lạng. Ảnh: NVCC
Dòng chia sẻ của một người bạn trên Facebook một năm trước vẫn khiến chúng tôi ám ảnh. Tìm về con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, hỏi thăm về tang lễ ngày cận tết, nhiều người dân xác nhận đó là tang lễ cô H làm nghề uốn tóc ở đây. “Cô H làm tóc ở đây từ năm 17 tuổi, cũng phải 30 năm rồi, khách đa phần là những người dân xung quanh hoặc giới thiệu nhau. Tôi cũng làm tóc chỗ cô ấy nè” - người dân bán ngay đầu hẻm 245 đường Nguyễn Cư Trinh kể chuyện.
Cả con hẻm 245 và khu Mả Lạng nói chung bị phong tỏa do liên quan đến một ca nhiễm COVID-19, bắt đầu từ 26 tết. “Hên 26 tết là Chủ nhật, mẹ con tôi đã đi sắm tết. Tối về đang thiu thiu ngủ, con tôi bảo cả dãy nhà mình bị phong tỏa rồi, tôi tỉnh ngủ, dậy luôn” - bà vẫn còn nhớ như in.
40 năm sống ở con hẻm này, lần đầu tiên trong đời bà trải qua một cái tết kỳ lạ đến vậy. 28 tết, như mọi năm bà đã bắt đầu nghỉ bán để ở nhà dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Nhưng năm ngoái thì khác, 28 tết, cả nhà dậy sớm, dắt nhau đi xét nghiệm COVID-19. Dự tính mùng 2 tết sẽ về Vũng Tàu thăm chị cũng đành lỗi hẹn. “Nhưng cũng nhờ dịch mà cái tết đầu tiên cả nhà tôi ở bên nhau từ ngày 28 đến mùng 4 tết. Con trai tôi thuê trọ trên quận 12, bình thường phải mùng 1 mới về. Mới nhận tin phong tỏa, tôi gọi điện thoại dặn nó đừng về, về lại vào cách ly, chẳng được đi đâu. Nhưng nó gạt ngay, nó bảo: “Con làm xong 27 rồi 28 con về với mẹ”” - bà mỉm cười.
Khu Mả Lạng bị phong tỏa ngày cận tết. Ảnh: MINH TÂM
Tang lễ chỉ ba người thân đưa tiễn
Một năm đã đi qua. Tết Nhâm Dần năm nay cũng là ngày giỗ đầu của chị. Con gái chị đã bước vào giảng đường đại học, mẹ chị đã ngoài 70 tuổi, năm nay lại thêm một tuổi, bà yếu dần, tiệm tóc vắng chị cũng bỏ đó cả năm rồi. Còn nhớ năm ngoái gặp, bà Hương ngồi lặng im trên ghế nhựa, đầu tựa vào cánh cửa, mắt nhìn vô định. Ánh mắt của bà ngày ấy ám ảnh chúng tôi mãi.
“Bà chưa tiêm ba mũi vaccine nên chưa về Sài Gòn được. Sau này mấy đứa con cháu nhà bà nhiễm COVID-19 hết cả rồi, mỗi bà chưa thôi. May mắn mọi người đều khỏe mạnh vượt qua. Nhưng bà lớn tuổi rồi, bị lãng tai, con nói chậm một xíu. Một năm rồi nhanh quá con ha. Gia đình bà theo đạo nên giỗ chị năm nay cũng chỉ làm mâm cơm nhỏ và xin lễ bên nhà thờ, về nhà anh em quây quần bên mâm cơm” - bà trầm ngâm.
Bà có năm người con, chị H là con thứ tư, áp út. Chị bị ung thư năm năm trước đó rồi, đã phải hóa trị. “Khoảng hai, ba tháng trước khi mất con tái khám, bác sĩ báo là đã di căn, bắt nhập viện. Nhưng con không nhập viện vì con biết con không đủ sức để chịu đựng hóa trị hoặc xạ trị nữa. Con về nhà, những lúc lên cơn đau, con uống thuốc giảm đau…” - bà Hương xót xa kể.
Gia đình đã chuẩn bị máy thở cho chị H để hỗ trợ, mệt quá lại gắn máy thở. Hai tháng trước khi mất, những cơn đau ngày càng dữ dội, khó ăn, khó chịu… người chị cứ lả dần. “Trước khi mất tầm 15 ngày, con đuối dần, chỉ trả lời có hay không, chẳng nói nhiều được. Lúc hơn 10 giờ mùng 1 tết thì con đi” - người mẹ già nghẹn lại. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Vì đang mùa dịch bệnh, lại đang trong vùng dịch nên thời gian tổ chức lễ tang phải thu ngắn lại. Bà bảo nếu là ngày bình thường sẽ để con ở nhà hai, ba ngày, thường là ba ngày nhưng đang dịch bệnh nên con ở nhà một ngày rồi đi. Trước đêm cuối cùng con đi, bà con lối xóm đã đến thắp hương, chia buồn cùng gia đình. Mọi người mang khẩu trang, từng người một vào thắp hương.
Ban đầu, vì chị H nằm một chỗ đã lâu, chẳng tiếp xúc với ai nên có người đề nghị không cần lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng có yêu cầu kiểm tra, bà và gia đình chấp nhận mở nắp hòm, đợi nhân viên y tế lấy mẫu. Ngay sau đó cũng trong mùng 2 tết, các thành viên trong gia đình bà được khẩn trương lấy mẫu luôn. May mắn, kết quả âm tính. Bà bảo đó là việc nên làm, vì sức khỏe của cộng đồng, những người yêu thương con bà.
Người đã đi rồi, đi trong một ngày tết đặc biệt. Mùng 4 tết, sau tám ngày cách ly, khu Mả Lạng chính thức được bỏ lệnh phong tỏa. Hàng trăm người mang khẩu trang ra đường đón tết muộn. Họ đều tin rằng COVID-19 rồi sẽ bị chặn đứng. Bởi tiền tuyến có những con người đang miệt mài chống dịch, khám chữa bệnh, gấp rút chế tạo vaccine. Và bởi hậu phương luôn đặt niềm tin, sẵn sàng đứng yên khi Tổ quốc cần.
Mọi người đều hy vọng một ngày mai sẽ không còn những cách ly, những cuộc xét nghiệm khẩn được đăng trên báo, đài mỗi ngày như trước, sẽ không còn “mùa COVID”, “năm COVID” nữa. Tết mà, buồn mãi đâu có được!
“Năm nay cứ chúc nhau bình an là quý lắm rồi!” - bà Hương chia sẻ.
Bài cuối: Người Sài Gòn nương nhau qua mùa dịch