Hoàng Thùy Linh tiếp tục chinh phục người nghe với Gieo quẻ
Một số chương trình trực tuyến nổi bật dịp Tết này có thể kể đến như Gala nhạc Việt phát sóng trên YouTube Gala nhạc Việt và trên HTV9 những ngày đầu năm Nhâm Dần, The Spring concert - Và thế là Tết với sự góp mặt của hơn 30 nghệ sĩ, phát sóng ngày 28-1.
Nhạc đón xuân tiếp năng lượng tích cực
Tết Nhâm Dần đến cùng cuộc sống bình thường mới, nhạc đón xuân năm nay dù chứa chan nỗi niềm nhưng vẫn mang đến nguồn năng lượng tích cực sau một năm nhiều mất mát. Chủ đề nhạc xuân chiếm lĩnh bảng xếp hạng tìm kiếm trên mạng ở Việt Nam với hơn 20.000 lượt truy vấn liên quan chỉ sau nửa ngày, số liệu do Google Trends thống kê vào đầu năm.
Đáp lại nhu cầu ấy, hàng loạt ca khúc có chủ đề chào đón năm mới ra đời. Ngay ngày đầu năm mới, rapper Đen Vâu trình làng sản phẩm âm nhạc mang cái tên nay đã thành câu cửa miệng của giới trẻ Mang tiền về cho mẹ. Cùng với Đi về nhà ra mắt vào cận Tết Nguyên đán 2021 và giờ là Mang tiền về cho mẹ, âm nhạc của Đen Vâu như trở thành thứ thanh âm báo xuân về, khiến lòng người không khỏi nôn nao trước giờ phút đoàn viên sau một năm bôn ba bên ngoài.
Hoàng Thùy Linh với MV Gieo quẻ vẫn đi theo phong cách kết hợp giữa văn hóa truyền thống cùng hơi thở đương đại. Một nhan đề thoạt nghe khá mê tín nhưng điều mà ca sĩ muốn truyền tải là chỉ cần tin tưởng bản thân, làm chủ chính cuộc sống của mình thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Một ca khúc lấy nước mắt khán giả dịp này còn có Mẹ ơi Tết vạn dặm xa do Tăng Nhật Tuệ - Alan sáng tác, Bùi Anh Tuấn thể hiện. Bài hát là nỗi niềm của đứa con đã vĩnh viễn mất đi người mẹ hiền trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn ra nghiêm trọng.
Wren Evens vừa ra mắt sản phẩm Gặp may
Sôi động trở lại nhưng quảng cáo quá nhiều
Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, nhiều người chọn cách tạm ngưng không phát hành nhạc mới và dời lại lịch ra mắt các sản phẩm quan trọng.
Số lượng ca khúc bị "ém" tăng lên, dẫn đến việc hàng loạt cái tên liên tục tiếp nối nhau phát hành bài hát mới đầu năm 2022: Trên chuyến xe Đà Lạt chiều nay - Mình yêu đến đây thôi - Em đã có người mới (Tóc Tiên), Là do em xui thôi (Châu Đăng Khoa, Sofia, Khói), Anh muốn xăm tên em (Ali Hoàng Dương), Bước qua nhau (Vũ), Yêu không cần ép (Bảo Anh), Chọn bạn mà chơi (RTee), Chống lại cả thế giới (Ngô Kiến Huy)...
Đến hẹn lại lên, giới ca nhạc sĩ tiếp tục đua nhau thực hiện những sản phẩm âm nhạc mang tính chất quảng cáo cho doanh nghiệp, mặt hàng tiêu dùng phổ biến dịp Tết. Câu rap của Đen Vâu như trở thành kim chỉ nam làm MV của nhiều ca nhạc sĩ hiện nay: "Bài nhạc này đã có quảng cáo, không có tiền thì làm nhạc làm sao". Bích Phương, Trúc Nhân, Wowy, Hoàng Dũng, Orange, Da LAB... là những cái tên tham gia làm MV quảng cáo năm nay.
Có MV chỉ đưa sản phẩm vào thành chi tiết nhỏ, có MV hướng toàn bộ nội dung vào việc quảng cáo sản phẩm. Dân trong nghề gọi đó là sự giao thoa của nền âm nhạc giải trí và quảng cáo, trở nên phổ biến nhất vào dịp đón chào năm mới - thời điểm vừa là nước rút của các chiến dịch quảng cáo, vừa là đỉnh điểm của mùa tiêu dùng.
Nhạc Việt chỉ vừa mới sôi động trở lại sau gần hai năm trầm lắng, vậy nên việc các nhãn hàng thường xuyên có mặt để cùng đầu tư cho MV dẫn đến nhiều sản phẩm xuất hiện lộ liễu, khiên cưỡng khiến người xem ngán ngẩm. Xu hướng thương mại hóa quá mức trong MV vẫn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Một điểm tích cực hơn trong mùa Tết năm nay đó là một số nghệ sĩ đã ý thức được việc đầu tư cho phần âm nhạc để khi tách riêng, ca khúc vẫn sẽ có một đời sống tinh thần biệt lập.
Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu trở thành câu cửa miệng của giới trẻ
Rap mất ngôi vương, xu hướng nào sẽ lên ngôi?
Nếu 2020 - 2021 là năm của rap, 2022 liệu phong cách âm nhạc nào sẽ lên ngôi? Nếu vài năm trước, RnB vẫn bị nhìn nhận là thể loại khá kén khán giả ở Việt Nam thì giờ đây, cùng với sự lớn mạnh của thế hệ nghệ sĩ gen Z, điều ấy đã và đang thay đổi.
Những gam màu Mỹ Anh, Wren Evens, Tlinh, MCK, Hnhngan, Changg, Low G, W/N... mang lại cho nhạc Việt còn khá mới lạ với khán giả đại chúng, nhưng rất may là lớp nghệ sĩ trẻ này đã nhanh chóng có cho mình một nhóm khán giả trẻ riêng với nhiều ca khúc "bùng nổ". Nhưng trong buổi trò chuyện với Tuổi Trẻ hồi tháng 1, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng những gì chúng ta thấy chưa phải là đỉnh điểm sự bùng nổ mà mới chỉ là bắt đầu thôi.
Trái ngược với phân khúc của gen Z, nhạc Việt trong năm qua lại không có nhiều điểm nhấn. Quan sát trên các nền tảng nhạc số, ca khúc mới vẫn liên tục được ra mắt trong năm nhưng lại không nhiều bài neo đậu được vào lòng khán thính giả. Có ý kiến nói nhạc Việt bão hòa là vì thế.
Chính vì vậy, một bộ phận nghệ sĩ đã chọn làm rượu cũ bình mới, tìm về những ca khúc đã cũ và thổi vào đó hơi thở đương đại hôm nay. Nhiều cái tên thành công bằng công thức này như Tăng Phúc, Hà Nhi, Juki San, Hiền Hồ... Rượu cũ bình mới cũng chính là xu hướng nổi bật nhất trong năm qua.
Khoảng thời gian chững lại của năm 2021 cũng chính là dịp để giới ca nhạc sĩ ngẫm nghĩ về việc họ sẽ tiếp tục đóng góp gì cho âm nhạc.
Là do em xui thôi - một trong các ca khúc gây ấn tượng đầu năm nay
Sau một loạt album của Bích Phương, Amee, Hoàng Dũng, Tùng Dương, Chillies, Phùng Khánh Linh... 2022 tiếp tục vừa chào đón 2 album được giới mộ điệu chú ý là Nỗi yêu bé dại (Đức Trí, Thùy Chi) và Cây lặng, gió ngừng (Lê Cát Trọng Lý). Nếu Nỗi yêu bé dại là kết tinh cho hành trình 5 năm làm album của Đức Trí, thì Cây lặng, gió ngừng là đĩa nhạc chữa lành cho những quay cuồng và mệt mỏi vừa qua.
Năm nay các ca sĩ cũng tiếp tục thực hiện các chương trình ca hát trực tuyến, vừa để vơi đi nỗi nhớ sân khấu, vừa tạo ra nguồn thu và hâm nóng tên tuổi. Mỹ Tâm làm hẳn 3 đêm nhạc trực tuyến My Soul 1981, Văn Mai Hương có Tách trà thanh xuân, Isaac thực hiện Hát cho em làm mới những bài quen thuộc, Phương Mỹ Chi thực hiện Bolero lâu phai kết hợp truyền thống với hiện đại, Hà Thu chọn hát những nhạc phẩm riêng về vùng đất cố đô trong Huế và em...
TikTok là thang đo mới?
Lượt xem trên YouTube thể hiện sự quan tâm của khán giả chứ không phải là thước đo chuẩn đánh giá một sản phẩm âm nhạc. Vài năm trước, giới chuyên môn hay dành cho nhau mối hoài nghi rằng liệu top thịnh hành YouTube sẽ ảnh hưởng xấu tới làng nhạc? Tới hôm nay, mối hoài nghi ấy tiếp tục chuyển sang một đối tượng khác: TikTok.
2021 cho thấy một thực tế là cuộc đua MV triệu view top trending đã không còn sôi động, thay vào đó là mức độ phổ biến của ca khúc trên TikTok - mạng xã hội đang thu hút sự tham gia của đông đảo giới trẻ. Những ngày đầu năm, một số cái tên bỗng nổi tiếng nhờ nền tảng này có thể kể đến như Xem như em chẳng may (Chu Thúy Quỳnh), Lưu số em đi (Huỳnh Văn, Vũ Phụng Tiên), Hoa tàn tình tan (Giang Jolee)...
Sự xuất hiện của các hot TikToker từ việc đóng MV, làm vũ công cho đến cùng biểu diễn trên sân khấu... khẳng định sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cục diện âm nhạc chung.
MV dạng thức drama với những tình huống, câu chuyện kịch tính là xu hướng từng được nhiều ca sĩ chọn lựa. Hai năm dịch bệnh triền miên, làng nhạc đứt đoạn dòng chảy làm MV tiền tỉ. Với âm nhạc trên TikTok, giờ đây một ca khúc được nhiều người dùng sử dụng làm video chính là mục tiêu mà nhiều ca sĩ hướng tới.
TTO - Ban tổ chức giải thưởng Làn sóng xanh 2021 vừa công bố đề cử của 9 hạng mục quan trọng. Trong đó, Soobin dẫn đầu với 6 đề cử ở 6 hạng mục, Đen cũng nhận được 6 đề cử trong 5 hạng mục, còn Sơn Tùng M-TP có 4 đề cử tại Làn sóng xanh 2021.
Xem thêm: mth.75885458062102202-gnart-gnas-teiv-cahn-2202/nv.ertiout