Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: TỰ TRUNG
Dự buổi làm việc của Ban bí thư Trung ương Đoàn với Thành đoàn TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gợi mở nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Nói về việc chuẩn bị cho Đại hội Đoàn TP.HCM lần XI sắp tới, ông Mãi cho rằng đại hội cần được xem như diễn đàn thật sự của đoàn viên, thanh niên thành phố, không phải "cứ áp từ trên xuống".
Bằng kinh nghiệm của người từng nhiều năm gắn bó với công tác thanh niên, chủ tịch UBND TP.HCM nói phải nhìn hoạt động phong trào, công tác thanh niên của TP.HCM trong vị trí một đô thị đặc biệt. Từ đó, nhận diện những áp lực đô thị mà giới trẻ thành phố này đối mặt, mà đại hội phải bàn từng câu chuyện ấy, để thanh niên thấy được hình ảnh của họ, và Đoàn cũng thở cùng nhịp thở thời cuộc.
Ông Phan Văn Mãi dẫn vài câu chuyện của đợt dịch COVID-19 thứ tư quét qua TP.HCM. Ông nói khi hàng ngàn công nhân rời thành phố về quê, có một thực tế là cũng hàng ngàn bạn trẻ này không hề có bếp trong nhà dù họ sống và làm việc năm này tháng khác ở đây. Chưa hết, có nhiều bạn chỉ cần thuê cái võng 20.000 đồng mỗi tối để ngủ sau một ngày làm việc, sáng ra vẫn quần áo chỉnh tề đi làm...
Và ông bảo dù không đại diện cho tất cả nhưng đấy chính là nhịp sống, là hơi thở thời cuộc của thanh niên. Ông nhắn gửi tổ chức Đoàn và đại hội Đoàn làm sao đi vào những câu chuyện như vậy. Có như thế mới gần gũi với thanh niên, mới hiểu họ cần gì, biết họ nghĩ gì và có thể giúp gì cho họ.
Nhiều bạn trẻ từ lời mời gọi của trang cộng đồng Go volunteer trên không gian mạng đã đến với hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM - Ảnh: Q.L.
Điều đó không đồng nghĩa với việc Đoàn đứng ra lo xây nhà trọ cho công nhân. Cái này, theo chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đang tính toán, bàn cụ thể để có thêm nhà ở xã hội, nhà trọ cho người lao động xa quê.
Điều tổ chức Đoàn nên làm và hoàn toàn làm được, theo ông Mãi, chính là tổ chức, sắp xếp để có được những khu trọ văn minh, khu lưu trú văn hóa mà công nhân cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Đoàn - Hội, của các đoàn thể. Ông nhấn mạnh: "Nếu làm được như thế, họ sẽ chịu ơn Đoàn, đến với tổ chức".
Một góc nhìn khác, ông Mãi nói cần có hệ thống tổ chức của Hội Liên hiệp thanh niên trên không gian mạng song song với Hội Liên hiệp thanh niên trên thực tế. Đây cũng là điều ông từng đề cập khi còn là chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, và ông cho rằng dù không gian mạng nhưng là đời sống thực, hoàn toàn không ảo!
Nói điều này bởi trước đó, chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận cũng từ những ngày phòng chống dịch vừa qua cho thấy thanh niên có độ nhạy cảm lớn, nhiều hoạt động họ làm rất tốt. Khi không thể ra đường, thanh niên vẫn có cách tập hợp nhau thật hiệu quả thông qua mạng xã hội. Câu hỏi của ông là Đoàn đã đánh giá tới chưa, làm sao giúp được thanh niên có trình độ thị dân, vì bản thân họ phát triển chính là đóng góp cho thành phố phát triển.
"Hãy nhìn rõ xem tổ chức chúng ta đồng hành cùng giới trẻ thế nào, tạo môi trường và điều kiện cho họ cống hiến, phát huy năng lực ra sao chứ không phải tiếp cận ở góc độ cần chăm lo gì khác cho thanh niên" - chủ tịch UBND TP.HCM nhắn gửi như thế.
TTO - Nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu nguyên là bí thư thứ nhất, bí thư Trung ương Đoàn góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, trong đó bàn luận sôi nổi xung quanh câu chuyện phong trào Đoàn.
Xem thêm: mth.34464429062102202-nein-hnaht-auc-couc-ioht-oht-ioh-gnos-pihn-mit/nv.ertiout