Theo đó, số lượng cổ phần được bán đấu giá là 122.175.343 cổ phần, tương đương 8,29% vốn điều lệ tại ngân hàng này với giá đấu khởi điểm từ 28.930 đồng/cổ phần. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với giá thị trường hiện nay, trong phiên giao dịch sáng nay 25/1/2022, LPB được giao dịch ở mức giá 22.550 đồng/cp.
Nếu thoái vốn thành công, VNPost sẽ không còn là cổ đông của LienVietPostBank. Cho đến thời điểm hiện tại, VNPost vẫn là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.
Hai cổ đông cá nhân hiện sở hữu lượng cổ phiếu LPB lớn nhất là hai Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Thắng và ông Nguyễn Đức Thụy. Cả hai người đồng cấp lần lượt nắm giữ 3,29% và 2,85% vốn điều lệ.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc chuyển nhượng hơn 122,2 triệu cổ phần LPB do VNPost sở hữu. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu LienVietPostBank tuân thủ quy định pháp luật và Điều lệ LienVietPostBank về việc chuyển nhượng cổ phần và sở hữu cổ phần của cổ đông, bao gồm tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, cổ đông và người có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu LienVietPostBank phải phối hợp chặt chẽ với VNPost triển khai thực hiện chuyển nhượng cổ phần của VNPost tại LPB theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, đánh giá cụ thể tác động của việc VNPost thoái toàn bộ cổ phần tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hệ thống phòng giao dịch bưu điện. Trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai giải pháp cần thiết để quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thoái vốn.
LienVietPostBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 3.638 tỷ đồng (tăng 49,9%) và 2.873 tỷ đồng (tăng 54,3%), vượt 14% so với kế hoạch đề ra tại đại hội cổ đông thường niên.
Trong năm qua, LienVietPostBank đã trích hơn 1.322 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 89%. Đây là nguyên nhân chính, kéo giảm đà tăng trưởng lợi nhuận xuống chỉ còn trên dưới 50%
Việc đẩy mạnh trích lập diễn ra trong bối cảnh nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã tăng 9,9%, lên 2.778 tỷ đồng vào cuối năm 2021 dù đã thực hiện cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng đạt 289.194 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,3% lên gần 208.954 tỷ và chiếm hơn 72% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 1,43% hồi đầu năm xuống còn 1,33%. Dự phòng rủi ro cho vay trong năm 2021 tăng thêm 40% lên 3.171 tỷ đồng.
So với cuối năm 2020, tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank chỉ nhích nhẹ 3,3% lên 180.273 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chỉ chiếm chưa đầy 10% với 17.843 tỷ đồng