vĐồng tin tức tài chính 365

Tranh cãi việc "siết" mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp

2022-01-26 12:42

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó có nội dung đáng chú ý là sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu, nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Siết chặt kiểm soát

Cụ thể, theo dự thảo nghị định, mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: Để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. 

“Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn” - dự thảo Nghị định nêu. 

Đồng thời, doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo chỉ được sử dụng cho chính doanh nghiệp phát hành, đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Những thay đổi trong dự thảo nhằm mục tiêu hướng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. 

Trước đó, trong năm 2021, vấn đề kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đặt ra khi tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Thực tế theo thống kê của Bộ Tài chính, một lượng lớn đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án. Cùng với đó, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. 

Tranh cãi xung quanh mục đích

Những thay đổi về mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn tới nhiều tranh cãi, trong đó có ý kiến cho rằng quy định mới có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), việc góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp. Cơ quan chức năng nên sửa đổi các quy định theo hướng đảm bảo tính minh bạch của thị trường để nhà đầu tư cá nhân có thể tự phân tích và chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro khi mua sản phẩm tài chính này. 

Đồng thời, có thể đưa ra giới hạn về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành thay vì siết mục đích sử dụng vốn. 

Song song với đó, cần có các điều kiện chuẩn và chặt hơn về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để đảm bảo khả năng phân tích rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Như vậy, thay vì siết mục đích sử dụng vốn sẽ tạo cơ chế để sàng lọc doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tham gia thị trường.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup cũng cho rằng, không nên "chặn" quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp. Mấu chốt giải quyết vấn đề hiện tại là minh bạch về mặt thông tin, đặc biệt khi phát hành đến nhà đầu tư cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng nóng trong năm 2021. Nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ của nhiều doanh nghiệp có rủi ro tài chính cao, bất chấp các cảnh báo của cơ quan quản lý. Một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành với khối lượng lớn, sử dụng vốn huy động không giống như mục đích khi phát hành. Do đó, ban soạn thảo chú trọng sửa đổi các nội dung để cải thiện tính lành mạnh, giúp thị trường phát triển bền vững.

Trước đó, riêng trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có quy mô phát hành bằng gần 16% GDP, tăng tới 33% so với năm trước. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tiếp tục thanh kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn với lãi suất cao và các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.

Xem thêm: odl.898899-peihgn-hnaod-ueihp-iart-hnah-tahp-hcid-cum-teis-ceiv-iac-hnart/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tranh cãi việc "siết" mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools