Trao đổi với Lao Động, một quan chức Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, thì nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo nguồn tin của Lao Động, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - thông báo về việc ngừng hoạt động sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Theo văn bản của Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải giảm công suất vận hành trong khoảng cuối tháng 1.2022 từ mức 1-5% xuống còn khoảng 80% như hiện nay.
"Theo ý kiến trao đổi từ phía đại diện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, đơn vị này vẫn đang tiếp tục gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp, đảm bảo nguồn dầu thô nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của nhà máy.
Do đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không có giải pháp nào khác và buộc sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất (khoảng từ ngày 10.2.2022).
Điều này dẫn đến việc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn không có khả năng tiếp tục cung ứng nguồn hàng xăng dầu của Nghi Sơn ra thị trường, kể từ tuần đầu tháng 2.2022 cho đến khi có thông báo mới về khả năng hoạt động trở lại của nhà máy", Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn cho hay.
Còn đối với khối lượng giao nhận tháng 1.2022, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin giảm công suất vận hành, đơn vị này đã làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để thu xếp và giao tối đa lượng hàng có thể từ Nhà máy cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, phù hợp với khả năng sản xuất, tồn khó và lịch giao nhận tối ưu đã được các bên trao đổi, cập nhất trong tháng 1.2022.
"Việc gặp phải các vấn đề khó khăn dẫn đến phải ngừng sản xuất, làm gián đoạn khả năng cung cấp hàng là sự việc rất đáng tiếc", Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn khẳng định.
Trước thông báo nêu trên từ phía Nghi Sơn, một lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex nhấn mạnh với Lao Động: Trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ cố đảm bảo nhu cầu của người dân, khách hàng với các phương án mua trong nước hay nhập khẩu theo tỷ lệ thị trường nắm giữ. Bất kỳ phương án nào cũng tính toán dựa trên lượng hàng tối thiểu đã đăng ký.
Trao đổi với Lao Động, một quan chức Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, thì nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Khi được hỏi liệu các doanh nghiệp đầu mối có thể chủ động nhập khẩu xăng dầu từ các nguồn khác không, vị này cho rằng, vấn đề nhập khẩu phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, luật pháp không cấm doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ bên ngoài thì phải mất tiền tàu, xếp dỡ, bốc hàng... chi phí "đội" lên rất cao, không được thuận lợi như khi mua từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, việc đặt hàng gấp rút, bán giao ngay thì giá sẽ cao hơn rất nhiều.