Ban giám hiệu và giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận1, TP.HCM) trong cuộc họp bàn về việc đón học sinh trở lại trường. Ảnh chụp vào đầu tháng 12-2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhà trường, phụ huynh cần chuẩn bị gì để các em trở lại trường an toàn và học tốt?
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho thì không nên cho con đến trường. Khi trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và làm theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.
PGS.TS Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương
Tập dần thói quen khi đến trường
Theo TS Dương Minh Thành - trưởng khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, để học sinh trở lại trường học an toàn cũng như nhanh chóng hòa nhập với việc học tập trực tiếp, phụ huynh cần chuẩn bị trước cho trẻ những thói quen thường ngày của một học sinh bình thường ngay từ bây giờ.
Đó là thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, thói quen ăn uống sinh hoạt đúng giờ, thói quen học bài... Ngoài ra, thời điểm này học sinh cần được tách dần khỏi thiết bị điện tử - là thứ quen thuộc nhưng lại dễ gây nghiện trong thời gian học tập trực tuyến vừa qua.
Nhân dịp Tết này, nếu cho con đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh nên dành thời gian cho con ra ngoài tiếp xúc với bạn bè, người thân, cách ly khỏi thiết bị điện tử để chuẩn bị tâm thế cho con đi học trực tiếp trở lại.
Đồng thời, nếu có thời gian thì phụ huynh nên gợi mở cho con về những niềm vui khi con trở lại trường, để trẻ chờ đợi những ngày đi học trực tiếp sắp tới chứ không phải là sự ép buộc.
TS Dương Minh Thành cho rằng về công tác chống dịch, phụ huynh cần làm theo hướng dẫn, yêu cầu của nhà trường và bảo vệ bản thân, gia đình bằng 5K sẽ tạo lá chắn an toàn cho trẻ trước dịch.
Với trẻ mầm non, sau một thời gian ở nhà với cha mẹ, người thân và ở trong nhà nhiều, cô Đinh Thị Anh Đào - hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, TP.HCM - cho biết cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho trẻ làm quen lại với những điều đã được học trước đó với trường mầm non. Cha mẹ cho trẻ xem hình ảnh trường lớp để trẻ thích ứng với việc sắp tới sẽ đến trường.
Tốt nhất vẫn thực hiện 5K
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết trẻ từ 2 tuổi trở lên không bệnh nền, trong nhà không có ai cao tuổi thì phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ đi học trực tiếp vì lợi ích của học trực tiếp với sự phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ của trẻ. Trong trường hợp trẻ bị bệnh nền (béo phì, tiểu đường...) thì gia đình nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ trước khi đến trường.
Để trẻ an toàn khi đến trường, cách tốt nhất vẫn là thực hiện 5K. "Một số quốc gia có quy định cho trẻ từ 2 tuổi trở lên ở trong phòng kín thì nên đeo khẩu trang. Vì thế, để chuẩn bị cho trẻ đến trường an toàn, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen này ở nhà, ngay cả với những trẻ 2 tuổi. Thực ra, người Việt có thói quen đeo khẩu trang từ lâu nên trong gia đình có người lớn đeo khẩu trang thì việc giáo dục cho trẻ điều này cũng dễ hơn với trẻ em ở những quốc gia khác", bác sĩ Đỗ Văn Dũng nói thêm.
Bác sĩ Dũng cũng khuyên phụ huynh, khi học sinh đi học trở lại, nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh cũng như ho, sốt, sổ mũi thì nên xét nghiệm nhanh cho trẻ. Khi trẻ bị dương tính với xét nghiệm nhanh cũng không nên cho đi học. Và trong trường hợp đó, cần cách ly trẻ đó với những người chưa tiêm vắc xin trong gia đình.
Điều quan trọng không kém là người lớn trong gia đình cần tuân thủ 5K, tiêm vắc xin đầy đủ để giảm thiểu sự lây lan dịch cho trẻ và phụ huynh cũng cần tuân theo biện pháp phòng chống dịch của nhà trường. Phụ huynh cũng không nên có cảm giác lo sợ về dịch khiến tâm lý bất an mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt.
Tương tự, PGS.TS bác sĩ Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - cũng cho biết trẻ đến trường cần nhất là thực hiện 5K. Cụ thể, cần xây dựng 5K thành "văn hóa phòng ngừa COVID-19", lan tỏa 5K tới trẻ em, áp dụng 5K vào nhà trường.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho trẻ tới trường an toàn, gia đình cần đảm bảo tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ, nắm được thông tin đầy đủ về quy định ứng phó COVID-19 cụ thể tại trường học của con em mình. Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho con em và có thể hướng dẫn dự phòng 5K cho trẻ.
"Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho thì không nên cho con đến trường. Khi trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.
Nếu bạn cùng lớp hoặc giáo viên của trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, phụ huynh hãy theo dõi các triệu chứng của con và thực hiện theo các khuyến cáo tự cách ly của y tế địa phương.
Về phía nhà trường, khi học sinh có các triệu chứng của COVID-19 ở trường, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường phải nhanh chóng hành động phối hợp cùng y tế địa phương để giảm thiểu nguồn lây cho trẻ khác", bác sĩ Trần Minh Điển lưu ý.
Các trường đã có thời gian dài chuẩn bị
TS Dương Minh Thành - trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết rất vui và ủng hộ việc TP.HCM đưa trẻ tiểu học, mầm non quay lại ghế nhà trường từ ngày 14-2. Thời điểm này trẻ đến trường là khá phù hợp. TP.HCM đã có quá trình chuẩn bị những bước cơ bản để trẻ đến trường an toàn cũng như có kinh nghiệm thực hiện ở các lớp lớn để triển khai xuống những lớp nhỏ hơn. Các nhà trường cũng có khoảng thời gian dài chuẩn bị cho việc đón trẻ trở lại trường.
Rất cần sự hợp tác của phụ huynh
Ở góc độ nhà trường, ông Nguyễn Thế Dũng - hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 (TP.HCM) - cho biết trường đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tổng vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống dịch (chuẩn bị phòng cách ly...). Việc phòng chống dịch là sự hợp tác từ hai phía nhà trường và gia đình. Vì thế, để trẻ tới trường an toàn, trường rất cần
phụ huynh hợp tác phòng chống dịch. "Chỉ cần phụ huynh theo dõi sức khỏe của con cháu, của gia đình. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên báo với nhà trường, để trường xử lý nhóm còn lại cho thật nhanh, thì sự an toàn cho trẻ sẽ phần lớn được đảm bảo", ông Dũng cho biết.
3 lưu ý khi mở cửa trường học
Nhân viên một trường tiểu học ở quận 1 (TP.HCM) đang vệ sinh khử khuẩn phòng học - Ảnh: ANH KHÔI
Ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT - cho biết nhiều quốc gia đã ra văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO. Trong đó, có ba việc chủ yếu.
Thứ nhất, họ quy định về việc tiêm vắc xin và chiến lược xét nghiệm cho học sinh. Thứ hai, họ có các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học. Thứ ba, họ tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.
Việc áp dụng quy định không được cứng nhắc mà phải giao quyền tự chủ cho các địa phương. Ví dụ, Pháp giao từng địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh. Các trường từ tiểu học đến THPT sẽ học trực tiếp nếu là vùng xanh và vàng, còn vùng cam và đỏ sẽ kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.
Một vấn đề được các nước quan tâm là quyền tự chủ được giao đến cấp quản lý hành chính nào? Ví dụ, Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền quyết định đóng cửa các trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong trường học và thời gian đóng cửa tối đa bảy ngày.
Đối với những trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin thì các nước cũng hối thúc đi học. Khi cho đối tượng này đi học thì Singapore và Nhật Bản quản lý chặt hơn bằng cách kiểm tra triệu chứng để quyết định học sinh có nên đến trường hay không. Còn Canada và Mỹ thì yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Sau 9 tháng đóng cửa vì dịch, các trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM sẽ mở cửa đón học sinh trở lại từ ngày 14-2. Thiếu học sinh, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp là những khó khăn bủa vây các trường, nhất là các trường tư thục.
Xem thêm: mth.81913849072102202-gnourt-ial-ort-hnis-coh-ohc-ig-ib-nauhc/nv.ertiout