Sao mà em quên được cơ chứ? Bây giờ cách hồi đó mới có 23 năm thôi mà. Nhưng dẫu có 30 năm, 50 năm hay nhiều nhiều năm đi chăng nữa, khi em còn trên cõi đời em cũng sẽ không quên được đâu.
Ừ, nhớ quá em nhỉ? Tuổi thơ của chị em mình bên mẹ, và những mùng một Tết khổ cực.
Chị lại nhìn lên bàn thờ. Bát muối trắng tinh em đặt đó từ ngày Ba mươi, thờ vong linh của mẹ, như năm xưa, trước khi rời cõi tạm, mẹ thủ thỉ muốn mong. Hương muối mặn mòi thoang thoảng. Thoang thoảng gợi nhớ ký ức dịu êm.
Hồi đó, nhà chị em mình nghèo thật là nghèo. Ba đau ốm triền miên, số ngày nằm viện còn nhiều hơn nằm ở nhà. Chị em mình bé xíu xiu, một đứa lên 7, một đứa lên 5, chưa giúp được gì cho ba mẹ.
Thành ra, mẹ là người trụ cột của gia đình, quán xuyến tất cả. Gánh nặng trên vai mẹ ngày một trĩu xuống khi hai chị em lớn lên, khi ba mất sức lao động, chẳng làm được việc nặng.
Tết đến, em cảm tưởng như càng thêm gánh nặng cho mẹ. Trời ơi, bao nhiêu việc trong tháng Chạp mà mẹ phải lo. Từ vụ cấy, vụ rau Tết, lợn Tết cho đến gà Tết.
Mẹ chạy như một con thoi. Mới thấy mẹ ở ngoài đồng, nhoáng cãi đã thấy mẹ trong nhà cặm cụi nấu cám cho lợn ăn rồi. Rồi thì cơm nước cho chồng con. Mẹ chạy chợ, mong có đồng vào đồng ra lo cân thịt Tết, cân gạo nếp gói bánh chưng, lo quần áo mới cho hai chị em…
Như người ta hết ngày Ba mươi Tết sẽ được thảnh thơi. Còn mẹ, mẹ phải tất bật đi bán muối đầu năm. Sau khi chuẩn bị mâm cơm cho ba cúng xong, mẹ sửa soạn đồ lề, gánh muối bước ra cổng.
Khi hai chị em lớn lên, biết thương mẹ, lon ton phụ mẹ bán muối, theo mẹ trên khắp mọi nẻo đường, tới từng hẻm nhỏ để rao bán muối.
Ngày tháng Giêng. Mưa xuân lây phây. Mưa xuân lành lạnh. Mưa xuân dặt dìu bên gánh muối của mẹ. Mưa xuân oằn vào trong tiếng rao gầy guộc khan đục của mẹ nghe sao mà thao thiết "Ai muối khônggggg, ai muối nàoooooo?".
Em với chị theo chân mẹ, hỏi mẹ không biết bao nhiêu là câu hỏi. Tại sao đầu năm họ lại đi mua muối? Phải chăng sự bất cẩn quên mua trong năm nên họ mới mua muối đầu năm?
Mẹ gánh hai thúng muối, đòn gánh kẽo cà kẽo kẹt, nhìn hai chị em cười, mưa xuân bết cả lọn tóc ướt nhẹp, nhẫn nại giải thích. Là không phải như hai chị em nghĩ. Người ta mua muối đầu năm với mong muốn cả năm may mắn, suôn sẻ.
Thế mới hay trong dân gian có câu thành ngữ "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Khác với vôi, muối có vị mặn mà của tình nghĩa, cái đậm đà, thủy chung trong lối sống.
Còn với vôi, người dân Việt quan niệm rằng đó là sự biểu tượng của thói bạc bẽo vô ơn, tình người "bạc như vôi". Cuối năm mua vôi chính là để xua đi những thực dụng, thực lợi, vị kỷ...
Gánh muối của mẹ, lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng mẹ vẫn gắn bó theo nó suốt mấy chục năm trời. Mẹ nói phải tằn tiện, chắt bóp phòng khi bệnh tật, hiểm nghèo.
Hai chị em được học hành, được mặc quần áo, giầy dép đẹp là nhờ những đồng tiền bán muối đầu năm của mẹ. Chị ôm em, bờ vai chị rung rung, nước mắt chị rơi lã chã.
Chị nhớ những năm tháng đang ngồi trên giảng đường, nhận cọc tiền lẻ mẹ gửi bà con gửi lên. Cọc tiền lẻ mẹ chắt chiu, chắc chắn trong đó có số tiền mẹ bán muối đầu năm mới. Chị vẫn thấy vị mằn mặn, mùi mồ hôi, mùi khó nhọc em à. Chị nhớ mẹ nhiều quá.
Hai chị em ôm nhau.
Mẹ của chị em mình là mẫu người phụ nữ tuyệt vời chịu thương, chịu khó. Đức tính đó chị luôn khắc ghi và noi theo em à! Em nắm tay chị. Bất kể đức tính nào của mẹ cũng tốt đẹp hết, chị em mình nhớ gìn giữ và phát huy chị nhé!
Mẹ ra đi đã mười năm. Mười năm qua là một quãng thời gian dài, ký ức hai chị em cứ rưng rức mỗi khi Tết về. Nhớ biết bao dáng mẹ tảo tần gánh muối bán vào mùng một Tết.
Mẹ như những sứ giả của mùa xuân, mang cho đời, rắc gieo những mặn nồng, sự yêu thương tới mọi người. Hương muối mặn mòi sẽ còn mãi trong cuộc đời này, trong ký ức của hai chị em.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Thường phải sau ngày 25 tháng chạp, trên đường phố mới xuất hiện những chiếc xe đạp lọc cọc, phía sau buộc một cái mẹt to, trên mẹt chất ngồn ngộn những "mớ rau" màu xanh thẫm.
Xem thêm: mth.41442327082102202-tet-ioum-gnouh-gnon-nam/nv.ertiout