Khu vực phao nổi nơi cơ quan chức năng vây lại nằm giữa sông Sài Gòn, phía dưới là đốt hầm Thủ Thiêm - Ảnh: T.T.D.
Theo đó, khu vực sông Sài Gòn giữa quận 1 và TP Thủ Đức, đoạn trên mặt nước được đơn vị thi công dùng phao vây lại. Sau đó, các sà lan chở bao cát đến thả xuống sông.
Đây là vị trí các đốt hầm Thủ Thiêm được dìm dưới lòng sông Sài Gòn nên người dân lo lắng về việc hầm gặp sự cố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 29-1, ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP (đơn vị quản lý hầm Thủ Thiêm) - cho biết đây là công tác bảo trì thường niên của đơn vị đối với công trình này.
"Do các đốt hầm được dìm dưới đáy sông, dòng chảy tạo các hố xói bên dưới sẽ đe dọa an toàn của hầm. Hằng năm chúng tôi đều quan trắc, xác định các hố xói này và thả đá, bao cát xuống để lấp.
Việc bảo trì này giúp đảm bảo an toàn cho hầm Thủ Thiêm chứ hoàn toàn không có việc hầm xảy ra sự cố. Người dân có thể an tâm tham gia giao thông qua công trình", ông Tấn khẳng định.
Hầm Thủ Thiêm dài khoảng 1,5km, vốn đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng, nối quận 1 với quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức).
Công trình được khánh thành năm 2011 và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hằng năm cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy tại hầm này để đảm bảo xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra được nhanh chóng, an toàn.
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn lộ trình thay thế cho các loại xe có dự định đi qua hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) trong 2 tối 19 và 20-12. Trong thời gian này hầm sẽ được phong tỏa để kiểm định hiện trạng.