Từ tháng 2-2022, một số quy định về xuất xứ hàng hóa, chế độ với người có công hay cán bộ bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng... sẽ có hiệu lực. Pháp Luật TP.HCM xin trích giới thiệu tới bạn đọc những quy định mới này.
Việc xác định và ghi xuất xứ hàng hóa phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật... Ảnh: NGUYÊN THẢO
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Nghị định 111/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2.
Một trong những điều được sửa đổi, bổ sung là về xuất xứ hàng hóa (Điều 15). Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Cũng có hiệu lực từ ngày 15-2 là Nghị định 131/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Nội dung Nghị định nêu rõ, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Ngoài ra Nghị định này cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng. Ảnh minh họa internet - PLO
Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Đồng thời được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định.
Cũng theo Nghị định này, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Nghị định 134/2021 có hiệu lực từ ngày 15-2.
Theo quy định mới, người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân. Ảnh: PLO
Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo
Thông tư số 31/2021 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2, thay thế Thông tư số 49/2016.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tạm thời vẫn phải kê khai thông tin về ngày sinh, dân tộc (để phục vụ việc in thẻ và xác định điều kiện của người được cấp thẻ là người dân tộc) do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ.
4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi Thông tư 17/2021 của Bộ NN&PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2-2. Thông tư quy định rõ bốn hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm: Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; Chuyển mục đích sử dụng; Tái xuất và tiêu hủy. Theo đó khắc phục lỗi của sản phẩm được áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn được áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định. Chuyển mục đích sử dụng áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp. Tái xuất được áp dụng trong trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật. Còn tiêu hủy áp dụng khi thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất. |