Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… những lĩnh vực có thể dẫn tới câu chuyện đầu cơ, đẩy giá, gây các hiện tượng bong bóng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Xin ông cho biết định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022?
- Trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2021, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát chương trình phục hồi kinh tế và phát triển của Chính phủ.
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng tiền đảm bảo ổn định tỉ giá, quản lý tốt thị trường ngoại tệ thị trường vàng. Trong điều hành hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tập trung hướng các dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, mặt khác tạo điều kiện khai thác tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng để góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ hiện nay.
Đối với nhu cầu vốn cho nền kinh tế, chúng tôi cũng đặt ra để điều hành tín dụng ở mức khoảng 14% trong năm 2022. Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt tăng trưởng tín dụng 12% nhưng để đảm bảo khả năng vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khôi phục nền kinh tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để xử lý các nhu cầu cấp bách, chúng tôi đã nới tín dụng vào thời điểm những tháng cuối năm. Đến nay dư nợ tăng trưởng tín dụng có thể đạt đến 14%.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đề ra con số tăng trưởng tín dụng 14%. Đây là con số mục tiêu nhưng cũng có thể sẽ cao hơn hoặc thấp hơn, tùy theo diễn biến của nền kinh tế, nhu cầu vốn của nền kinh tế và mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, nhất là thời điểm cuối năm.
Thưa ông, trong năm 2022 việc kiểm soát của Ngân hàng nhà nước vào tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và chứng khoán sẽ ra sao?
- Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực cần thiết để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp không đảm bảo độ an toàn, hay những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ đều được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên các dòng tiền hướng vào các lĩnh vực như nhà ở xã hội, nhu cầu mua bán nhà ở thực tế cần thiết của người dân thì chúng tôi vẫn tiếp tục cho phép đầu tư nguồn vốn. Nhưng những lĩnh vực có thể dẫn tới câu chuyện đầu cơ, đẩy giá các bất động sản, gây các hiện tượng bong bóng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Thách thức về nợ xấu trong năm 2022 sẽ ra sao, thưa ông?
- Nợ xấu tăng cao cũng là một trong những thách thức với ngành Ngân hàng trong năm 2022 và cả những năm tiếp theo, nhưng cần nhìn nhận khách quan để cùng xử lý.
Do tác động của dịch COVID-19 dẫn tới khó khăn doanh nghiệp không thể trả được nợ, tất yếu nợ xấu sẽ tăng lên do yếu tố khách quan dịch bệnh, nhìn nhận được điều đó trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước xác định nợ xấu là vấn đề là thử thách và phải đối mặt với các thực trạng của nợ xấu. Tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo, ngành ngân hàng cũng có những giải pháp trước hết là đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng trong vấn đề nợ xấu tăng lên, thứ hai để xử lý các khoản nợ xấu cũ.
Nghị quyết 42 được áp dụng thí điểm đã có những kết quả tích cực, ngành ngân hàng đã xử lý được khối lượng nợ xấu lớn. Nếu như không có dịch bệnh xảy ra, ngành ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra để xử lý nợ xấu. Nhưng do yếu tố khách quan dịch bệnh đưa đến nợ xấu lần này, Ngân hàng Nhà nước đã xác định quy mô mức độ nợ xấu có thể tiếp tục diễn biến trong năm 2022 và những năm tới để có những giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm, nhưng cũng có những biện pháp cụ thể về hành lang pháp lý, thẩm quyền xử lý, thậm chí là trình Quốc hội xem xét nâng tầm Nghị quyết 42.
Cần có một luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, tạo điều kiện cho ngân hàng và các cơ quan xử lý nợ xấu một cách nhanh chóng đảm bảo tiến độ thời gian.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Xem thêm: odl.338999-oac-or-iur-cuv-hnil-cac-oav-neit-gnod-tahc-teis-coun-ahn-gnah-nagn/et-hnik/nv.gnodoal