Người dân xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà chăm chút cho những cây đào để bán dịp Tết - Ảnh: LÊ MINH
Về xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh - một trong những thủ phủ trồng đào truyền thống có tiếng với hàng ngàn cây đào cung cấp cho thị trường trong tỉnh mỗi dịp xuân về) những ngày này, đâu đâu cũng gặp người dân đang chăm chút vườn đào phai chuẩn bị bán Tết.
Thời điểm này tiết trời ở Hà Tĩnh khá lạnh, nhưng nhiều người dân vẫn ra vườn tuốt lá đào.
Ông Hồ Sỹ Hậu (45 tuổi, ngụ xã Lưu Vĩnh Sơn) cho biết những năm gần đây nghề trồng đào Tết tại địa phương phát triển, mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân nên khoảng 5 năm nay gia đình ông cũng học hỏi cách trồng, chăm sóc đào.
Tự mua hạt đào về ươm mầm, thời điểm đầu gia đình ông chỉ trồng 50 cây, nhưng đến Tết này cả vườn đã có 300 cây để cung cấp cho thị trường.
Ông Hồ Sỹ Hậu bên vườn đào của gia đình - Ảnh: LÊ MINH
Cho thu nhập từ hai năm nay, lứa đào đầu tiên gia đình ông chỉ bán ra hơn 20 cây nên tiền thu về không bao nhiêu. Năm nay, ông dự kiến bán ra thị trường giá 400.000 - 600.000 đồng/cây, ước thu về khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, giá đào có thể biến động lớn khi chịu tác động của thời tiết.
"Từ nay đến thời điểm đưa đào xuống phố, nếu thời tiết không mấy thay đổi, hoa sẽ nở đúng Tết, cây đào bán ra có giá trị hơn. Còn thời tiết diễn biến xấu, nhiệt độ xuống thấp, đào không kết như dự kiến thì sẽ rất khó bán" - ông Hậu nói.
Cách vườn đào gia đình ông Hậu khoảng 700m, chị Trần Thị Toàn (34 tuổi, ngụ xã Lưu Vĩnh Sơn) cũng đang tất bật tuốt những lá đào còn sót lại trên cây để chuẩn bị bán ra thị trường.
Vườn đào có hơn 100 cây hai năm tuổi. Bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để chăm sóc, bón phân và thuê người tuốt lá, Tết năm nay là thời điểm thích hợp nhất để xuất bán lứa đào này nên gia đình chị rất mong thời tiết thuận lợi để đào bán ra có giá, có tiền chi tiêu dịp Tết.
Chị Trần Thị Toàn mong thời tiết ổn định để vườn đào nở hoa đúng dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho gia đình - Ảnh: LÊ MINH
"Với người trồng đào, thời tiết rất quan trọng. Vì vậy chỉ mong thời tiết ủng hộ để đào nở đúng dịp, bán được giá để gia đình có thêm nguồn thu mua sắm dịp Tết" - chị Toàn nói thêm.
Theo người dân trồng đào ở xã Lưu Vĩnh Sơn, cùng kỳ các năm trước một số vườn đào đã đón nhiều người đến xem và đặt đào Tết, trong đó nhiều người kinh doanh đặt vấn đề mua hàng trăm cây để bán.
Tuy nhiên, năm nay việc mua bán đào tại vườn chưa sôi động khiến nhiều người dân thấp thỏm khi Tết đã cận kề.
Ông Bùi Công Thư - phó chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn - cho biết nghề trồng đào phai ở địa phương có khoảng 30 năm nay. Thời điểm đầu chỉ một số hộ dân trồng nhỏ lẻ, sau thấy đào hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt nên mở rộng quy mô trồng.
Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 600 hộ trồng đào với hơn 100ha.
Theo ông Thư, nghề trồng đào đã góp phần phát triển kinh tế nông hộ tại địa phương, thậm chí nhiều gia đình thoát nghèo nhờ trồng đào phai. Tuy nhiên, cây đào nở hoa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nên vào dịp cuối năm nhiệt độ thất thường làm đào nở sớm hoặc muộn hơn dự kiến vẫn khiến người dân lo lắng.
TTO - Nhiều gốc đào Nhật Tân có tuổi 25-30 năm được các thương lái vận chuyển từ Hà Nội vào Nam và bày bán trên đường phố Sài Gòn thu hút đông đảo người đến xem và mua.
Xem thêm: mth.20852749010103202-hnit-ah-iahp-oad-uhp-uht-o-tet-iod-moht-paht/nv.ertiout