vĐồng tin tức tài chính 365

Tìm cách giảm gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp

2023-01-03 07:51

Dù hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng khách hàng là doanh nghiệp (DN) và cá nhân khẳng định để tiếp cận được lãi suất cho vay giá rẻ không dễ.

Tìm cách giảm gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp ảnh 1

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Căng mình trả lãi vay ngân hàng

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cho biết: Trong năm 2021, lãi suất cho vay ngắn hạn được cố định ở mức 6,5%-7%/năm nhưng hiện lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh. Chẳng hạn lãi suất cho vay kỳ hạn sáu tháng tại Ngân hàng Agribank đã tăng lên mức khoảng 9,5%/năm, Ngân hàng VietinBank khoảng 10%/năm, Ngân hàng MBBank là 11%-12%/năm, Ngân hàng An Bình là 13%/năm. Thậm chí tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay đã nhảy lên mức 14%-15%/năm.

Đây là câu chuyện mà không DN nào muốn gặp phải. Nhất là đối với DN nhỏ và vừa thời gian qua vô cùng khó khăn, giờ đây phải đối mặt với gánh nặng trả lãi vay quá cao khiến họ e dè, không dám đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Ba tháng gần đây các đơn hàng xuất khẩu giảm trầm trọng tới 60%-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thị trường nội địa cận tết Nguyên đán sức mua chỉ bằng khoảng 1/10 so với vài năm trước dịch” - ông Luận cho hay.

Lãnh đạo Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu thông tin thêm việc một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay chủ yếu chỉ dành cho một số ít khách hàng “siêu VIP”, chứ những công ty nhỏ và vừa thì không dám mơ được vay với mức lãi suất thấp. Bởi với các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… thì các DN nhỏ rất khó để thỏa các điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Thêm vào đó, bản thân các ngân hàng cũng không mấy mặn mà trong việc bung gói lãi suất cho vay giá rẻ, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua liên tục tăng và hiện vẫn cao hơn nhiều so với trước dịch.

Lãi suất cho vay tăng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của cộng đồng DN.

Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản cũng khẳng định: Bản thân công ty đang phát triển dự án nhà ở thương mại, hướng đến nhu cầu ở thực nhưng hiện vẫn chưa nghe ngân hàng nào thông báo giảm lãi suất cho vay. Giai đoạn này thị trường bất động sản đóng băng, dòng tiền vào và ra của công ty gần như bằng 0. Hàng bán ra không được nên không có dòng tiền để phát triển dự án.

“Nói thật các công ty bất động sản bây giờ khó khăn chồng chất, nhiều công ty phải đi vay tứ tung để trả lãi suất ngân hàng. Đấy là công ty tôi không phát hành trái phiếu nên không phải đối mặt với rủi ro về đáo hạn trái phiếu. Với những công ty vừa vay ngân hàng vừa phát hành trái phiếu thì giờ đây khó khăn càng gấp bội” - vị lãnh đạo công ty nói.

Đại diện nhiều công ty khác cũng nêu thực tế việc tiếp cận lãi suất cho vay ưu đãi như các ngân hàng tuyên bố là vô cùng khó khăn.

Người vay tiền mua nhà
đau đầu

Hiện tôi có khoản vay mua nhà 900 triệu đồng tại một ngân hàng với thời hạn 20 năm. Lãi suất trong thời gian ưu đãi là 8,9%/năm nên mỗi tháng tôi phải trả cả tiền gốc và lãi gần 10,5 triệu đồng. Như tháng 12 vừa qua, thời gian hưởng lãi suất thấp đã hết nên tôi phải chịu lãi suất thả nổi với mức hơn 12%/năm.

Sau một năm trả nợ, dư nợ gốc đã giảm được 45 triệu đồng nhưng hiện lãi suất tăng khiến tiền lãi nhảy từ 6,7 triệu đồng/tháng lên hơn 8,2 triệu đồng/tháng. Tiền lương, thu nhập không tăng trong khi chi phí sinh hoạt, lãi suất tăng khiến gánh nặng chi phí lãi vay mua nhà của gia đình tôi càng thêm nặng.

Chị THANH TÂM, quận Tân Bình, TP.HCM

Giảm lãi suất có chọn lọc

Một số ngân hàng cho biết đang nỗ lực ổn định và giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng MSB vừa tuyên bố giảm lãi suất cho một số đối tượng với hạn mức giải ngân lên đến 2.000 tỉ đồng. Theo đó, từ tháng 12-2022, mức lãi suất ưu đãi sẽ được giảm 2,5%-3%/năm so với lãi suất thông thường đối với khoản vay trung và dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MSB, cho biết đơn vị sẽ hỗ trợ, tư vấn thủ tục cho khách hàng theo hướng đơn giản và thuận tiện nhất để tạo điều kiện cho khách hàng sớm tiếp cận được gói vay ưu đãi này. “Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ kịp thời tiếp sức cho khách hàng thực hiện kế hoạch tài chính cuối năm cũng như hoàn thành các mục tiêu kinh doanh” - bà Hạnh nói.

Ngân hàng BIDV mới đây cũng tuyên bố đã thiết kế một số giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ DN xuất nhập khẩu phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, sản phẩm tài trợ thương mại với chính sách tài sản bảo đảm linh hoạt, giá phí ưu đãi, cạnh tranh… Trước đó, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên đối tượng của gói vay ưu đãi chủ yếu trong lĩnh vực ưu tiên cùng với nhiều điều kiện đi kèm.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhấn mạnh cơ quan này sẽ cố gắng tham mưu với ban lãnh đạo NHNN duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng mục tiêu. “Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng” - ông Quang nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. NHNN sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh thông tin một số ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho DN 1%-3%. NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ gói vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.•

Tín dụng, lãi suất dự báo sẽ dần ổn định lại

Tại cuộc tọa đàm về kinh tế tổ chức mới đây, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định hồi đầu năm 2022 NHNN quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Mới đây, cơ quan này nới thêm 1,5%-2% tín dụng, tương đương với việc bơm thêm khoảng 240.000 tỉ đồng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của DN.

Mặt khác, cơ quan điều hành gần đây đã yêu cầu các ngân hàng khống chế lãi suất huy động ở mức 9,5%. Thực tế cũng có nhiều ngân hàng tuân thủ và giảm lãi suất 0,5%-1%, song một số ngân hàng vẫn đang để lãi suất huy động ở ngưỡng 10%-11%. Như vậy, nếu DN có tiếp cận được thì lãi suất cũng rất cao, vì phải trả thêm ít nhất 3% so với mức lãi suất huy động.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng nhận định vấn đề tín dụng, lãi suất sẽ dần được khơi thông và dần ổn định lại.

THÙY LINH

Xem thêm: lmth.058417tsop-peihgn-hnaod-ohc-yav-ial-gnan-hnag-maig-hcac-mit/nv.olp

“Tìm cách giảm gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools