Theo thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị trực tuyến ngày 3/1, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối.
Trong năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ nửa đầu năm khiến họ cạn room (hạn mức) tín dụng được cấp. Suốt nhiều tháng sau đó, thị trường bị "đứt gãy" tín dụng, các nhà băng và doanh nghiệp đều trông chờ vào quyết định nới hạn mức của Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa "cơn khát" vốn.
Dù vậy, cơ quan quản lý đã không vội nới room trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng và thanh khoản thị trường chịu tác động tiêu cực sau vụ việc SCB. Mãi tới đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước mới có đợt cấp thêm room giúp việc vay vốn trở nên "dễ thở" hơn.
Trong khi tín dụng cả năm tăng mạnh, giới nhà băng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi. Cụ thể, tính tới 21/12, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong chục năm trở lại đây.
Điều này kéo theo dư nợ tín dụng vượt số dư tiền gửi từ dân cư (không tính số tiền gửi liên ngân hàng) chảy vào hệ thống ngân hàng. Trong suốt chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Lần gần nhất, huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào 2012 - thời điểm thanh khoản hệ thống căng thẳng dẫn đến cuộc đua lãi suất "nóng".
Có nhiều nguyên nhân khiến huy động vốn của ngân hàng gặp khó trong 2022, xuất phát từ cung tiền thấp, một phần tiền của dân cư "kẹt" trong trái phiếu, doanh nghiệp rút tiền đưa vào trang trải chi phí sản xuất kinh doanh.
Theo Công ty chứng khoán Yuanta, tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động) của nhiều nhà băng đã chạm trần. Nhiều nhà băng phải tăng cường huy động trên thị trường liên ngân hàng hoặc các định chế tài chính nước ngoài để bù đắp khoản thiếu hụt từ tiền gửi của dân cư. Việc huy động có được cải thiện trong hai tháng cuối năm khi lãi suất tiền gửi lên cao nhưng giới chuyên gia dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Quỳnh Trang