Ngày 7-1, bà Nguyễn Thị Như Ngọc - đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhựa Ngọc Hùng (Công ty Ngọc Hùng) - cho biết nhiều ngày qua, bà đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và các cơ quan chức năng tỉnh An Giang về việc thanh lý tài sản trả lại mặt bằng trong khu công nghiệp để giao cho nhà đầu tư khác.
Theo đó, năm 2008, bà Ngọc có thuê đất tại lô A3, A4 của Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên, An Giang) rồi bơm cát san lấp và nâng cao mặt bằng để xây nhà xưởng, văn phòng làm việc (kết hợp nơi ở) của Công ty Ngọc Hùng…, tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng.
Công ty chủ yếu sản xuất nhựa xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên hoạt động được bốn năm thì nợ nần chống chất, phá sản.
Hiện nay cơ quan chức năng yêu cầu thanh lý tài sản trên đất, công ty chỉ được chủ đầu tư mới hỗ trợ chi phí di dời tài sản là 200 triệu đồng nhưng không trả tiền 9.750m3cát san lấp (tương đương 410 triệu đồng) để nâng cao mặt bằng.
"Vì vậy, tôi có đề nghị Ban quản lý khu kinh tế cho tôi di chuyển khối lượng cát này ra khỏi lô đất A3, A4 để trả lại đúng hiện trạng ban đầu. Hoặc tôi sẽ ở đây chờ công ty khác vào khu công nghiệp này có nhu cầu san lấp để bán lại số cát trên. Tôi đã bán hết nhà cửa để trả cho ngân hàng, cuộc sống gia đình đang gặp nhiều khó khăn", bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang khẳng định đã có báo cáo UBND tỉnh về việc này và UBND tỉnh không chấp thuận phương án di chuyển cát san lấp ra ngoài Khu công nghiệp Xuân Tô.
"Công ty chỉ được di dời các công trình, vật kiến trúc mà công ty đã xây dựng trên phần diện tích đất của dự án. Ban quản lý khu kinh tế là đầu mối kết nối Công ty Ngọc Hùng với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên khu đất thuộc Khu công nghiệp Xuân Tô để thống nhất hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng", văn bản nêu.
TTO - Để chủ động nguồn cát đắp cho các dự án đường cao tốc sắp triển khai trong khu vực, ngày 14-9, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi 6 tỉnh, thành miền Tây hỗ trợ điều tra, khảo sát nguồn cung cát.