Thị trường chứng khoán bật tăng trong tuần giao dịch đầu năm 2023 với thanh khoản ở mức thấp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 44,35 điểm (+4,4%) lên 1.051,44 điểm, HNX-Index tăng 5,34 điểm (+2,6%) lên 210,65 điểm, UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (+1,54%) lên 72,75 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 10,8%, xuống 40.885 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,2% xuống 2.336 triệu cổ phiếu so với tuần trước. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 16,6% xuống 3.829 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 15,2% xuống 273 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong tuần đầu năm chỉ có 4 phiên giao dịch, xét theo giá trị và khối lượng trung bình từng phiên thì tuần này vẫn cao hơn so với tuần giao dịch cuối năm 2022.
Thị trường hồi phục trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều hồi phục. Tại nhóm bất động sản, số mã tăng cũng áp đảo. Thống kê 127 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán trong tuần từ 3 - 6/1 có 71 mã tăng trong khi số mã giảm chỉ là 31.
BVL của CTCP BV Land là mã tăng giá mạnh nhất với 24,3%. Tuy nhiên, BVL thuộc diện cổ phiếu có thanh khoản rất thấp. Tiếp sau đó, hai mã LGL của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang và TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành tăng lần lượt 16,3% và 16,2%. Hai cổ phiếu này đều thuộc nhóm thanh khoản trung bình.
CEO của Tập đoàn C.E.O gây chú ý khi tăng 12,9% chỉ sau một tuần giao dịch. Bên cạnh đó, VRE của CTCP Vincom Retail cũng tăng 11,2%.
Tuần giao dịch vừa qua, không có quá nhiều các thông tin tích cực từ nội tại doanh nghiệp ngành bất động sản xuất hiện mà đa phần các cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá theo hiệu ứng hồi phục tích cực của thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, PLA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (PLAND) giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản với gần 29%. Tuy nhiên, thanh khoản của PLA ở mức rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên.
Đa số các cổ phiếu giảm mạnh ở nhóm bất động sản đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Bên cạnh PLA, hai cổ phiếu bất động sản cũng có mức giảm trên 10% trong tuần vừa qua là VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam và MRG của Tập đoàn MGROUP với mức giảm lần lượt 25,9% và 19%.
Trong danh sách các mã bất động sản giảm giá, NLG của CTCP Đầu tư Nam Long gây chú ý khi giảm 2,7%. Mới đây, Đầu tư Nam Long cho biết, doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước. Paragon Đại Phước được Nam Long góp vốn thành lập vào năm 2018 nhằm đầu tư Khu đô thị Nam Long Đại Phước (quy mô hơn 45ha tại Đồng Nai). Tính đến ngày 30/9/2022, Nam Long sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp này. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, cơ cấu cổ đông của Paragon Đại Phước tại thời điểm cuối tháng 12/2022 gồm: CTCP Đầu tư Nam Long (75%), CTCP Đầu tư Thái Bình (21,6%) và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp (3,4%). Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ gần 1.678 tỷ đồng.
Tại top 10 vốn hóa lớn nhóm bất động sản chỉ có 2 mã giảm là KSF của Tập đoàn KSFinance và NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).
Trong khi đó, bên cạnh VRE, THD của CTCP Thaiholdings đứng thứ 2 danh sách này về mức tăng giá với 6,7%. Ngày 30/12/2022, Hội đồng quản trị Thaiholdings đã công bố quyết định miễn nhiệm vị trí Tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Dũng kể từ ngày 1/1/2023. Trong đơn từ nhiệm, ông Dũng viết: “Trong quá trình làm việc, tôi đã luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên vì một số lý do khách quan, tôi không thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này”.
Ông Nguyễn Văn Dũng trở thành CEO của Thaiholdings từ ngày 5/7/2021 thay cho ông Vũ Ngọc Định. Bên cạnh chức Tổng giám đốc, ông Dũng còn là thành viên HĐQT của Thaiholdings. Thay thế cho ông Dũng, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ ngày 1/1/2023. Ông Phan Mạnh Hùng cũng trở thành người đại diện pháp luật của Thaiholdings.
KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng gây chú ý khi tăng 3,1%. Doanh nghiệp này vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án triển khai mua lại cổ phiếu quỹ. Tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua lại là 50 triệu cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần gần 2.743 tỷ đồng theo BCTC đã soát xét ngày 30/9/2022. Nếu thực hiện thành công phương án trên, vốn điều lệ của Kinh Bắc sẽ giảm từ 7.676 tỷ đồng xuống còn gần 7.200 tỷ đồng. Dự kiến Kinh Bắc sẽ thực hiện việc mua lại cổ phiếu nhằm giảm vốn điều lệ trong quý I và quý II năm nay, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được tài liệu báo cáo đăng ký mua lại cổ phiếu và Tổng Công ty đã thực hiện công bố thông tin theo quy định./.
Xem thêm: lmth.00071000042210202-3202-man-uad-naut-gnort-cuc-hcit-hcid-oaig-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer